Bàn cờ mới - Tương lai quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên AI

Trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng trở thành một trong những công nghệ mang tính cách mạng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của thời đại chúng ta. Các công nghệ thiết yếu như AI sẽ không chỉ tác động đến phát triển khoa học công nghệ hay kinh tế, mà còn lan tỏa mạnh mẽ sang cả lĩnh vực quan hệ quốc tế, thậm chí làm thay đổi cơ bản cách thức các quốc gia tương tác, cạnh tranh và hợp tác với nhau.

Cuốn sách “Bàn cờ mới - Tương lai quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên AI” của Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng chủ biên cùng nhóm tác giả là những phác thảo cơ bản về bức tranh quan hệ quốc tế, những thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão.

Qua 10 bài viết về nhiều chủ đề đa dạng, cuốn sách sẽ dẫn dắt người đọc khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của mối quan hệ phức tạp giữa AI và quan hệ quốc tế. Bắt đầu bằng việc phân tích tác động tổng thể của AI đối với môi trường đối ngoại và cấu trúc quyền lực toàn cầu. Tiếp đó, nhóm tác giả đi sâu vào vai trò của AI trong cạnh tranh giữa các cường quốc, cũng như ảnh hưởng của nó đối với tương lai xung đột vũ trang. Đặc biệt, cuốn sách dành sự quan tâm đặc biệt đến vị thế và triển vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên AI.

Điều quan trọng được nhóm tác giả chỉ ra, đó là các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, học giả và các tổ chức quốc tế cần tham gia vào cuộc đối thoại này đảm bảo rằng sự phát triển của AI trong bối cảnh quốc tế được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của hòa bình, ổn định và công bằng. Chỉ thông qua sự hợp tác và đối thoại quốc tế sâu rộng, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng một trật tự thế giới mới có khả năng đối phó với những thách thức và cơ hội mà AI mang lại, đồng thời duy trì các giá trị cốt lõi của hệ thống quốc tế.

Cuốn sách đưa ra một góc nhìn mới đó là: trong môi trường quan hệ quốc tế hiện đại, rủi ro đến từ việc lạm dụng công nghệ AI, như Deepfake hay tấn công mạng, tác động rất lớn đến các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặt ra những thách thức mới cho hệ thống quản lý rủi ro toàn cầu.

Làm thế nào để các quốc gia nhỏ và đang phát triển có thể bảo vệ lợi ích của mình trong một thế giới nơi quyền lực ngày càng được định nghĩa bởi khả năng phát triển và triển khai AI? Những câu hỏi này buộc chúng ta phải xem xét lại các lý thuyết truyền thống về quyền lực trong quan hệ quốc tế và tìm kiếm các mô hình mới để hiểu và quản lý quyền lực trong kỷ nguyên số.

Một vấn đề cơ bản cốt lõi cũng được nhóm tác giả đặt ra là: trong quá trình phát triển AI, chúng ta cần luôn đặt con người vào trung tâm, đảm bảo rằng công nghệ này phục vụ lợi ích của toàn xã hội chứ không phải nhóm nhỏ. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành quốc gia mạnh về AI, hoàn toàn có khả năng trở thành hình mẫu về cách thức phát triển và ứng dụng công nghệ này một cách trách nhiệm và bền vững. Con đường nào giúp Việt Nam hiện thực hóa điều này? Câu trả lời sẽ được độc giả tìm thấy khi đọc hết 10 bài viết trong cuốn sách này.

Mạc Danh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ban-co-moi-tuong-lai-quan-he-nbsp-quoc-te-trong-ky-nguyen-ai-36681.htm