Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại huyện Trùng Khánh
Ngày 10/4, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Bàn Quý Sơn, Trưởng Ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Trùng Khánh.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn phát biểu tại buổi giám sát.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phê duyệt 175 dự án (22 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, 153 dự án phát triển sản xuất cộng đồng), tổng số kinh phí thực hiện gần 158 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên 92 tỷ đồng, nhân dân đối ứng 63.996,47 triệu đồng, chủ trì liên kết đối ứng trên 1.571 triệu đồng, với 11.756 hộ dân tham gia (6.312 hộ nghèo, 4.336 hộ cận nghèo, 209 hộ mới thoát nghèo, 899 hộ khác).
Thực kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị, có 34 hộ hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ 34 con trâu giống sinh sản; 266 hộ tham gia trồng mới cây dong riềng tại các xã: Đình Phong, Chí viễn, Đàm Thủy.
Trong quá trình triển khai luôn nhận được sự tham gia vào cuộc cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trách nhiệm của các phòng, ban cơ quan chuyên môn, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, nhiều dự án phát triển sản xuất đã làm tăng tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn; mở rộng diện tích cây trồng, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Đồng thời, làm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm sau cao hơn năm trước, đời sống, thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân giảm trên 5%/năm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn bất cập như: Năm 2022, đa số nguồn vốn phân bổ chậm, mức hỗ trợ các chính sách thấp khó thực hiện; một số hộ đồng bào DTTS chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, khả năng tiếp nhận, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; kinh phí thực hiện mô hình còn ít…
Huyện kiến nghị: HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành sớm ban hành 20 cơ chế, chính sách, hướng dẫn và phân bổ vốn để các địa phương kịp thời tổ chức thực hiện.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát đề nghị huyện giải trình, làm rõ các vấn đề như: Hiệu quả và tính phù hợp của dự án; giá trị hỗ trợ của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; khó khăn trong triển khai các mô hình, giải pháp lan tỏa trong thời gian tới; việc khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS; công tác phối hợp giữa các ban ngành, đơn vị liên quan…

Đoàn giám sát khảo sát thực địa Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm củ dong riềng tại xóm Bản Luông - Nà Sa, xã Đình Phong.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đánh giá cao những kết quả huyện đạt được trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS. Đề nghị huyện tiếp tục rà soát, tạo điều kiện hỗ trợ, đảm bảo sự phát triển bền vững của các dự án; chỉnh sửa nội dung báo cáo, bổ sung số liệu đánh giá hiệu quả các dự án; tăng cường phối hợp giữa đơn vị cung ứng, chủ đầu tư và các hộ dân để phát huy hiệu quả tối đa các mô hình hỗ trợ. Đối với các ý kiến, kiến nghị, đoàn giám sát sẽ tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trước đó, đoàn giám sát khảo sát thực địa Dự án liên kết chăn nuôi trâu sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm củ dong riềng tại xóm Bản Luông - Nà Sa, xã Đình Phong.