Bản đồ quyền lực mới thời AI
Trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, AI không chỉ là công nghệ mà còn là 'dầu mỏ' của thế kỷ 21 - vũ khí mềm định hình vị thế quốc gia.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình trật tự toàn cầu, không chỉ thay đổi nền kinh tế mà còn làm nghiêng cán cân quyền lực giữa các quốc gia. Cuốn sách Bàn cờ mới: Tương lai quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên AI ra đời nhằm cung cấp góc nhìn toàn diện về ảnh hưởng của AI đến quan hệ quốc tế, cũng như vị thế và chiến lược cần thiết của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Tại buổi tọa đàm ra mắt sách cuối tuần qua, các học giả và chuyên gia công nghệ, đối ngoại đã có những trao đổi về cách trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại trật tự thế giới.

Ảnh minh họa được tạo bởi AI.
Cuộc đua quyền lực trong kỷ nguyên AI
Theo nghiên cứu sinh Từ Anh Tuấn (Học viện Ngoại giao), AI đang trở thành “tài nguyên chiến lược mới” có khả năng quyết định vị thế, quyền lực và năng lực cạnh tranh của một quốc gia trong kỷ nguyên số 4.0 như cách mà dầu mỏ, than đá hay kim loại hiếm từng giữ vai trò chiến lược trong các thế kỷ trước.
Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cuộc đua công nghệ chưa từng có. Hiện nay, Mỹ dẫn đầu về công nghệ, có các ông lớn như OpenAI, Google hay Nvidia và kiểm soát chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc âm thầm bứt tốc, tập trung phát triển nội lực, ưu tiên mã nguồn mở và huy động nhân tài trong nước để phát triển các mô hình AI riêng như DeepSeek.
Cuộc cạnh tranh này không chỉ là chuyện phần mềm hay phần cứng mà là một cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu. Điều này vô hình trung đặt ra áp lực cho các quốc gia nhỏ và đang phát triển phải nhanh chóng hoạch định chiến lược rõ ràng nếu không muốn bị “kẹt giữa hai dòng chảy công nghệ”.
Việt Nam hiện chưa nằm trong nhóm dẫn đầu về AI, nhưng được đánh giá là có tiềm năng lớn nhờ lực lượng lao động trẻ, năng động và cộng đồng công nghệ khởi nghiệp đang phát triển.
ThS Huỳnh Hồ Đài Nghĩa cho biế Việt Nam còn thiếu hạ tầng dữ liệu chất lượng cao, đặc biệt là dữ liệu tiếng Việt để huấn luyện mô hình AI; Chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển nhanh của AI, đặc biệt là trong bảo vệ dữ liệu và kiểm soát thông tin xuyên biên giới.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, năm 2025 là giai đoạn bản lề buộc Việt Nam cần triển khai những chính sách cấp thiết. Trước tiên, cần phải đẩy mạnh chiến lược phát triển mô hình ngôn ngữ tiếng Việt thông qua hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân, tận dụng mã nguồn mở AI từ các nền tảng quốc tế; Chú trọng xây dựng hành lang pháp lý cho AI, bao gồm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ chế kiểm soát Deep Fake và khung đạo đức sử dụng AI trong truyền thông, giáo dục, y tế; Thành lập Trung tâm Quốc gia về AI để thúc đẩy đào tạo và thu hút nhân tài AI.

Tọa đàm Bàn cờ mới: Tương lai quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên AI diễn ra trực tuyến vào tối 12/4.
Từ “người quan sát” đến “người kiến tạo”
AI sẽ tiếp tục làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu trong thập kỷ tới. Với tầm nhìn đúng đắn và hành động kịp thời, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển mình từ “người quan sát” thành “người kiến tạo” trên bản đồ AI khu vực.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á, với hàng trăm startup AI trong lĩnh vực giáo dục, tài chính, y tế… Cùng lực lượng lớn lao động công nghệ trẻ, hơn 70 trường đại học đã giảng dạy AI. Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 do Nhà nước ban hành đã tạo nền móng cho những bước tiến mạnh mẽ tiếp theo.
Thay vì cạnh tranh trực tiếp về nền tảng, Việt Nam có thể tận dụng mã nguồn mở (như LLaMA, Mistral, DeepSeek...) để huấn luyện mô hình ngôn ngữ tiếng Việt, giải quyết các bài toán đặc thù trong nước như hành chính công, giáo dục, y tế. Điều này giúp Việt Nam “đi tắt đón đầu” mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các cường quốc khác.
Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa quan trọng. Dù hiện tại là người đi sau về mặt hạ tầng và công nghệ lõi, nhưng nếu tận dụng thời cơ, đầu tư chiến lược và chính sách quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có thể kiến tạo vị thế riêng trong khu vực mà không phải cạnh tranh trực diện với các siêu cường.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-do-quyen-luc-moi-thoi-ai-post1545482.html