Bàn giải pháp phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai thường xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và kinh tế nông nghiệp. Hiện ngành chức năng cùng các chuyên gia đang tích cực tìm giải pháp phòng chống hiệu quả, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

8 loại hình thiên tai

Sáng ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Nhà báo Trần Văn Cao - Phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc.

Nhà báo Trần Văn Cao - Phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc.

Khái quát tình hình thiên tai cũng như định hướng giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong thời gian tới tại diễn đàn, ông Trần Duy An - Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy Lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL như: hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; dông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên. Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Theo ông An, mùa khô năm 2024, xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh nghiêm trọng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, toàn vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở, tổng chiều dài trên 1.000km. Mỗi năm, đồng bằng mất 300 - 500 ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sụt lún vùng trung bình hằng năm trong giai đoạn này là 1,07cm.

“Hiện nay, ĐBSCL đã xây dựng 15 hệ thống thủy lợi tương đối khép kín (7 liên tỉnh, 8 nội tỉnh) phục vụ 2,5 triệu ha (chiếm 64% diện tích ĐBSCL); cơ bản đảm bảo cấp, tiêu thoát nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Công tác chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển, đã có hiệu quả nhất định nhưng hệ thống chưa được đầu tư đồng bộ đặc biệt là vùng ngọt hóa. Ngoài ra, các công trình lớn được xây dựng như Cái Lớn - Cái Bé, Ninh Quới… hỗ trợ kiểm soát vùng xâm nhập mặn cho vùng trồng trọt và giúp giảm số hộ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô”, ông An thông tin.

Ông An dự báo, diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do tác động của biến đổi khí hậu và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển kinh tế ở vùng. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, các giải pháp phi công trình cũng rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Ông Trần Duy An - Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy Lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo, diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL.

Ông Trần Duy An - Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy Lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo, diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL.

Về thiệt hại do thiên tai gây ra, số liệu thống kê của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho thấy, trong năm 2024 phạm vi lún đất, sạt lở gần 2.500m, hơn 50 căn nhà bị thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ thiên nhiên (hạn hán, mực nước xuống thấp).

Vào mùa mưa kết hợp triều cường thì toàn bộ diện tích vùng sản xuất lúa (vùng ngọt ổn định) thường xuyên bị ngập, làm ảnh hưởng đến đến sản xuất lúa của người dân, nhất và vụ lúa Hè Thu. Việc tiêu úng cũng luôn gặp nhiều khó khăn, do tỉnh Bạc Liêu là cuối nguồn nước và liên thông với các tỉnh, nên lượng nước mưa luôn chảy hướng về tỉnh Bạc Liêu.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, tỉnh này có đường bờ biển dài 254km, đứng thứ nhì cả nước chỉ sau Khánh Hòa và có khoảng 8.000km kênh mương. Tuy nhiên, tỉnh chịu nhiều yếu tố bất thuận như lịch nhật triều, bán nhật triều không đều đặn, không có nước về từ sông Hậu.

Cụ thể, vào mùa mưa, Cà Mau có lượng mưa cao nhất ĐBSCL (2.400mm), tuy nhiên vào mùa khô, địa phương cũng là nơi chịu khô hạn bậc nhất. Điển hình là mùa khô năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau xuất hiện 730 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 19km. Ngoài ra, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2 km. Có 43.545 ha rừng nguy cơ cháy cấp, gây thiệt hại 155.890 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (tôm)...

Giải pháp, kiến nghị

Tại diễn đàn, ông Trần Văn Cao - Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, khuôn khổ diễn đàn, chúng ta sẽ lắng nghe những tham luận tâm huyết, những sáng kiến đổi mới từ các diễn giả xuất sắc, cùng với những câu chuyện thực tiễn từ của các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh vùng ven biển đang ngày một chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai.

Ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam).

Ông Lê Thanh Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam).

“Đây không chỉ là cơ hội để các bên liên quan thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống thiên tai, mà còn là dịp để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, chính quyền, tổ chức xã hội và các nhà nghiên cứu. Bằng cách này, các chuyên gia nghiên cứu, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn có thể đưa ra những giải pháp khả thi và bền vững nhằm nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó và phục hồi sau thiên tai”, ông Cao nói thêm.

Về giải pháp, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 9/8/2024, trên địa bàn tỉnh có 77 khu vực sạt lở bờ sông và 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở 596,9 km và tỉnh đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.035 tỷ đồng.

Để chống ngập úng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhất là chống ngập úng cho vùng sản xuất lúa vào các tháng trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11 dương lịch) khi có kết hợp triều cường thường xảy ra. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung đầu tư xây dựng công trình cống điều tiết nước, xây dựng ô đê bao khép kín kết hợp trạm bơm, nâng cấp mở rộng các cống hiện trạng hiện nay có khẩu độ nhỏ; xây dựng và thực hiện lịch điều tiết nước linh hoạt, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi kết hợp lịch thời vụ sản xuất thuộc 2 vùng sản xuất nông nghiệp (vùng Bắc và vùng Nam) trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp phòng chống thiên tai.

Các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp phòng chống thiên tai.

Mặt khác, chi phí giải phóng mặt bằng cho các công trình phòng chống sạt lở bờ sông quá cao, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. “Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu, xây dựng kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng”, ông Phạm Minh Hải - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu đề xuất.

Còn tại tỉnh Cà Mau, hiện nay, khoảng 78km đường bờ biển được xử lý, còn hơn 80km khác cần xử lý gấp trong thời gian tới. Tỉnh này kiến nghị, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, xem xét và phê duyệt 1 đề án riêng cho Cà Mau về vấn đề bảo vệ đê ven biển. Đồng thời, xem xét, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến cơ chế giao đất giao rừng ở khu vực xung yếu, giúp tỉnh chủ động phương án chống sạt lở bờ biển.

Thúy Ái

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/ban-giai-phap-phong-chong-thien-tai-vung-dong-bang-song-cuu-long/20241129063956467