Triển vọng nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh

Hiện nay, nhu cầu về sử dụng rau sạch là tất yếu của mọi gia đình. Để đảm bảo cung cấp nguồn rau xanh, sạch và an toàn, nhiều gia đình đã trồng rau thủy canh, thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), điều kiện đất ít... Tuy nhiên, quy trình, kỹ thuật, nhất là hiệu quả mang lại chưa cao. Dự án Mekong Salt Lab - Dự án hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về BĐKH, xâm nhập mặn do Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Tổ chức Doanh nghiệp Hà Lan tài trợ, đã thực nghiệm 06 mô hình. Trong đó, trồng rau thủy canh triển vọng nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh.

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thúy (bìa trái), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Trường ĐHTV) trao đổi với các chuyên gia về mô hình trồng rau thủy canh tại Cồn Chim.

PGS.TS. Phạm Thị Phương Thúy (bìa trái), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Trường ĐHTV) trao đổi với các chuyên gia về mô hình trồng rau thủy canh tại Cồn Chim.

Trồng rau thủy canh là cách trồng không cần diện tích đất nhiều, rau được trồng trên giá thể và trực tiếp hấp thụ dinh dưỡng thủy canh để sinh trưởng và phát triển. Đây là phương pháp trồng rau mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm diện tích và dễ chăm sóc; ưu điểm nổi bật của mô hình là thích nghi với BĐKH, không ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Theo TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV), đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện Dự án, mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ nông dân trồng rau thủy canh thích ứng với BĐKH và xâm nhập mặn, từ đó góp phần bảo vệ sinh kế bền vững, phát triển nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL, trong đó có Trà Vinh. Đặc biệt, Dự án nhằm trang bị đến 03 nhóm đối tượng chính: nông dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nông nghiệp có thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với các thách thức của BĐKH.

Dự án đã triển khai 06 mô hình thử nghiệm, họp đánh giá hiệu quả để nhân rộng, cả 06/06 mô hình đều hiệu quả: trữ nước mưa nông hộ, trữ nước mưa canh tác nông nghiệp, trồng rau thủy canh, xử lý nước mặt, xử lý nước mưa thành nước uống và xử lý nước thải bằng phương pháp đất ngập nước. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh có thể áp dụng được với nhiều đối tượng: nông dân, phụ nữ, đoàn thành niên; vùng mặn, lợ, ngọt... kinh phí đầu tư ít, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Đặc biệt, người dân các xã cù lao, vùng ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ kết quả của mô hình trồng rau thủy canh, PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTV khẳng định: Trường ĐHTV sẽ phối hợp với các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… nhân rộng mô hình. Trường sẽ định hướng đào tạo nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực có liên quan, nhằm tạo đội ngũ nòng cốt thực hiện Dự án trong tương lai theo hướng bền vững. Bởi đây là Dự án góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH, đặc biệt là phát triển các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững, thông minh, giảm thiểu phát thải trong bối cảnh xâm nhập mặn, khô hạn và BĐKH như hiện nay.

Tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim, người trực tiếp tham gia dự án (trồng rau thủy canh) cho biết: hiện Cồn Chim có 19 hộ tham gia chuỗi du lịch, năm 2023, đón trên 23.000 lượt khách trong và ngoài nước. Các hộ tham gia du lịch ở đây khai thác những thế mạnh sẵn có như các món bánh dân gian: bánh lá, bánh xèo, dừa nước và các loại thủy sản địa phương: tôm, cua, cá kết hợp các trò chơi dân gian…

Từ năm 2023, bà Nguyễn Thị Bích Vân tham gia Dự án; được tập huấn để biết cách thích nghi với BĐKH, các kỹ thuật canh tác thuận thiên. Đặc biệt, được trang bị kiến thức để trồng những loại rau thủy canh: rau muống, cải, rau răm… phục vụ cho du khách. Đây là nguồn rau xanh, sạch để phục vụ du khách lưu trú, dùng bữa ở đây.

Cũng tại đây, sau khi tham quan thực tế, đồng chí Huỳnh Công Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành nhấn mạnh: mô hình thí điểm trồng rau thủy canh của người dân để thích ứng với BĐKH và mặn xâm nhập, chúng tôi cho rằng mục tiêu của Dự án đi đúng hướng mà huyện Châu Thành đang cần. Thích nghi với BĐKH đặc biệt là hạn và mặn xâm nhập… Châu Thành chuẩn bị nhiều vùng, và nhiều người dân; nhân rộng mô hình, đó cũng là hướng đến chuyển dịch kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, là chiến lược phát triển mà địa phương đang thực hiện. Vì vậy, chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động Nhân dân hợp tác và nhân rộng, nhất là các xã cù lao, các xã gần biển.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/trien-vong-nhan-rong-mo-hinh-trong-rau-thuy-canh-41655.html