Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam
Ngày 10.5, tại TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Luật – ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương tổ chức hội thảo quốc tế 'Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam'.

Đại biểu quốc tế và Việt Nam tham gia hội thảo
Hội thảo là cơ hội để các trường đại học, nhà nghiên cứu và nhà làm chính sách cùng đóng góp cho mục tiêu xây dựng thị trường carbon phù hợp với đặc điểm Việt Nam, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, thị trường carbon là một giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới mẻ, đòi hỏi sự học hỏi nghiêm túc từ kinh nghiệm quốc tế”.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐHQG Hà Nội) khẳng định tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam, vấn đề tìm cách phát triển thị trường carbon là một điều hoàn toàn mới ở nước ta và thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng.
Trên cơ sở đó, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh khuyến khích nhiều nghiên cứu nên đi sâu vào vấn đề này vì tính mới, tính cấp thiết, tiếp cập dưới nhiều góc độ cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Hội thảo diễn ra trong 5 phiên làm việc, lựa chọn từ hơn 200 đề xuất tham luận. Các chuyên gia tập trung làm rõ những mô hình quản lý thị trường carbon như cơ chế giao dịch phát thải (ETS) hay thuế carbon, khả năng áp dụng trong điều kiện kinh tế - pháp lý của Việt Nam…
TS Nguyễn Chinh Quang (ĐH James Cook, Australia) cho rằng Việt Nam nên bắt đầu bằng việc thiết lập ETS trong nước – mô hình linh hoạt, hiệu quả về chi phí, trước khi cân nhắc thuế carbon.
“Ba yếu tố quan trọng để ETS vận hành hiệu quả là: giới hạn phát thải, cách phân bổ hạn ngạch và cơ chế ổn định giá” ông Quang nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng nếu thiếu khung pháp lý chặt chẽ và cơ sở hạ tầng minh bạch, cả thị trường lẫn thuế carbon đều có thể gặp rủi ro.

Thị trường carbon là một giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Dưới góc độ doanh nghiệp, ThS Lưu Thị Thanh Mẫu – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, CEO Phúc Khang Corporation, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xác lập quyền sở hữu rõ ràng đối với tín chỉ carbon.
Bà kiến nghị xây dựng cơ chế pháp lý xác định carbon là tài sản có thể giao dịch, cùng với hệ thống chứng nhận, đăng ký và lưu trữ dữ liệu minh bạch trên nền tảng quốc gia.
Bàn về vấn đề phát triển thị trường carbon rừng tại Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc thiết kế toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo (Trường ĐH Ngoại thương) đề xuất phát triển theo bốn nguyên tắc thiết kế toàn cầu: Quản trị toàn diện, giám sát minh bạch, giảm chi phí khởi tạo và thích ứng linh hoạt với địa phương.
Chuyên gia nhấn mạnh: “Thành công của thị trường carbon rừng phụ thuộc vào sự tham gia thực chất của cộng đồng và các chính sách hỗ trợ dài hạn”.