Bàn giao… nhưng không thể sử dụng

ĐBP - Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam có quyết định đầu tư từ năm 2010, qua 2 lần điều chỉnh và nhiều năm thi công song vẫn còn dở dang. Đến nay, dù Dự án đã được nghiệm thu và bàn giao nhưng không thể sử dụng; các hạng mục và khối lượng hoàn thành cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là dự án đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài, không đáp ứng mục tiêu đầu tư, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Một đoạn trên tuyến đường giao thông Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam đã hư hỏng, xuống cấp.

11 năm chưa thông tuyến

Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam (giai đoạn 2) được đầu tư tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 1/10/2010 của UBND tỉnh. Sau đó, Dự án đã qua 2 lần điều chỉnh tại các Quyết định số 709/QĐ-UBND, ngày 13/9/2013 và Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 11/12/2017. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 74,9 tỷ đồng. Quy mô Dự án gồm: Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông tương đương với đường cấp IV miền núi, chạy dọc theo bờ hồ Huổi Phạ với tổng chiều dài 5,163km. Bao gồm 3 nhánh đường: Nhánh chính dài 4,267km và nhánh 1 dài 0,82km; nhánh 2 có chiều dài 75,52m và nhiều hạng mục công trình trên tuyến khác.

Sau 11 năm kể từ ngày có quyết định đầu tư, Dự án vẫn chưa thể thông tuyến, hiện còn khoảng 1km chưa thể giải phóng mặt bằng (GPMB). Bao gồm: 8 hộ dân thuộc tổ dân phố 1, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ (điểm đầu dự án nối với quốc lộ 279) và một phần diện tích rừng trẩu thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6.

Ông Nguyễn Văn Huynh, Tổ trưởng Tổ dân phố 1 (là 1 trong những hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án) có 211m2 đất, trong đó có 200m2 đất ở. Theo kế hoạch, UBND TP. Điện Biên Phủ sẽ thu hồi 160m2 (100% là đất ở) của nhà ông Huynh để phục vụ dự án. Do 2 bên không thống nhất được phương án GPMB nên ông Huynh không đồng ý để chủ đầu tư triển khai Dự án qua phần đất của gia đình. Ông Huynh cho biết: Gia đình tôi đồng thuận về mặt chủ trương và sẵn sàng bàn giao mặt bằng nếu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước và bố trí tái định cư cho gia đình tại một vị trí mới có giá trị tương đương. Tuy nhiên, Dự án này không bố trí đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Do đó, tôi cũng như các hộ còn lại đều không bàn giao mặt bằng. Như nhà tôi, nếu bị thu hồi 160m2 đất ở, diện tích đất ở còn lại chỉ còn 40m2 không đủ diện tích tối thiểu để xây dựng nhà ở trong khi gia đình tôi đang có 3 thế hệ cùng chung sống.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân, tổ dân phố 1, xã Thanh Minh cho biết: Nguyên nhân là do nội dung các cuộc làm việc của cán bộ triển khai Dự án với người dân chưa thống nhất. Thông báo về diện tích thu hồi, đơn giá tại các cuộc họp là khác nhau. Đơn cử như gia đình tôi: Cuộc họp đầu tiên cán bộ thông báo diện tích thu hồi từ mặt đường cũ vào đến phần móng nhà; một số cuộc sau lại thông báo thu hồi hết cả gian nhà hiện tại; sau cùng là chốt lại như phương án đầu tiên. Bên cạnh đó, đơn giá đền bù đất mặt đường quốc lộ 279 lại thấp hơn nhiều so với giá đền bù đất trên đồi. Do đó, gia đình tôi không đồng ý để chủ đầu tư thực hiện Dự án.

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi liên hệ với Ban QLDA các công trình TP. Điện Biên Phủ. Ông Phạm Đức Lâm, Tổ trưởng tổ Kế hoạch - Đầu tư dự án thông tin: Phương án GPMB Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam không bố trí tái định cư cho các hộ dân. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư nhận thấy cần phải có quỹ đất để bố trí đất tái định cư nên ngày 20/7/2018, UBND TP. Điện Biên Phủ đã có Văn bản số 799/UBND-BQLDA gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương về bố trí tái định cư và giao đất có thu tiền sử dụng đất Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam (giai đoạn 2). Tuy nhiên, ngày 17/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 746/STNMT-QLĐĐ trả lời rằng đề nghị của UBND TP. Điện Biên Phủ là không phù hợp. Chính vì vậy, thành phố không thể bố trí tái định cư cho các hộ dân và Dự án cũng không thể giải phóng được mặt bằng. Bên cạnh đó, Dự án còn vướng một phần diện tích rừng trẩu của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 song phía Công ty cũng không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Do dự án kéo dài, không đạt được mục tiêu đầu tư, ngày 21/10/2019, UBND tỉnh có Công văn số 3067/UBND-TH yêu cầu UBND TP. Điện Biên Phủ tạm dừng thi công dự án, quyết toán toàn bộ khối lượng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Đến ngày 22/9/2021, Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam được bàn giao cho Phòng Quản lý đô thị thành phố quản lý và đưa vào sử dụng. Như vậy, sau 11 năm, Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam đã được bàn giao nhưng công trình không thể khai thác, sử dụng; các hạng mục đã đầu tư cũng dần bị hư hỏng, xuống cấp.

Không tiếp tục bố trí vốn

Đến thời điểm bàn giao, Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam đã giải ngân gần 66 tỷ đồng/74,9 tỷ đồng tổng mức đầu tư. Dự án dở dang song UBND TP. Điện Biên Phủ lại “quên” không tiếp tục đề xuất bố trí vốn trong giai đoạn đầu tư công 2021-2025. Có cảm giác, Dự án đang bị cố tình để chìm vào lãng quên?

Theo tính toán của Ban QLDA các công trình TP. Điện Biên Phủ, nếu tiếp tục thực hiện để hoàn thành theo đúng mục tiêu, quy mô thì Dự án cần bố trí thêm khoảng 30 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, bổ sung là 104,9 tỷ đồng. Mới đây, tại cuộc giám sát chuyên đề về tình hình sử dụng vốn đầu tư công tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020, đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu UBND TP. Điện Biên Phủ giải trình, làm rõ thêm nội dung có nên tiếp tục đầu tư Dự án? Nếu tiếp tục thì vì sao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, UBND TP. Điện Biên Phủ lại không bố trí vốn cho dự án?

Trả lời vấn đề này, bà Đặng Thị Hường, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Điện Biên Phủ cho rằng: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam là cần thiết. Về việc Dự án không có trong danh mục bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là do quá trình rà soát, bố trí kế hoạch vốn cho các dự án, Ban QLDA các công trình không đề xuất danh mục Dự án này nên Phòng cũng không tham mưu UBND TP. Điện Biên Phủ ghi vốn.

Làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Quá trình rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn, các phường, xã rà soát và đề xuất danh mục đầu tư để bố trí vốn cho cả giai đoạn nhưng không hiểu sao Ban QLDA và phòng Tài chính - Kế hoạch vẫn để lọt Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam?! Nếu không có cuộc giám sát của HĐND tỉnh thì lãnh đạo thành phố cũng không biết được trên địa bàn còn có dự án vừa chậm vừa không hiệu quả như Dự án này.

Như vậy, việc UBND TP. Điện Biên Phủ không tiếp tục bố trí vốn cho giai đoạn 2021 - 2025, trong 5 năm tới đây, Dự án Hạ tầng khu du lịch Him Lam sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, các hạng mục đã đầu tư tiếp tục hư hỏng và xuống cấp.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191536/ban-giao%E2%80%A6-nhung-khong-the-su-dung