Bán hàng online là chiến lược dài hạn
HNN - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp (DN) trẻ, DN khởi nghiệp đứng trước cơ hội vàng để vươn xa trên thị trường. Song, để khai thác hiệu quả tiềm năng từ các kênh phân phối hiện đại, có khả năng đưa sản phẩm tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trong và ngoài nước không phải là câu chuyện dễ. Xung quanh vấn đề này, Huế ngày nay Cuối tuần có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Hằng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Huế, Co-founder của YesHue.

Bà Lê Thị Kim Hằng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Huế, Co-founder của YesHue
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đầu ra vẫn là bài toán nan giải đối với DN trẻ, DN khởi nghiệp, bà đánh giá như thế nào về dung lượng thị trường dành cho DN ở Huế hiện nay?
Thị trường đầu ra luôn là một thách thức lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng chỉ mới là bước đầu, làm sao để sản phẩm đến tay khách hàng mới là bài toán khó.
Huế là một thành phố có dân số không quá lớn, mức thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp so với các đô thị lớn. Điều này khiến sức mua của người tiêu dùng chưa thực sự mạnh, đặc biệt với những sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cao.
Qua theo dõi tôi nhận thấy, các DN trẻ thường gặp khó khăn trong việc kết nối với nhà đầu tư, đối tác chiến lược và kênh phân phối. Cùng với đó, nhiều DN trẻ ở Huế còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và triển khai kênh phân phối hiệu quả; tư duy bán hàng còn truyền thống, thiếu chiến lược thương hiệu và chưa tận dụng tốt các nền tảng số. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường địa phương mà chưa mở rộng ra thị trường ngoại tỉnh hoặc quốc tế cũng là một rào cản. Ngoài ra, các DN khởi nghiệp ở Huế thường gặp khó khi cạnh tranh với những thương hiệu lớn đã có sẵn uy tín, hệ thống phân phối rộng khắp và nguồn lực tài chính mạnh.

Các sản phẩm từ cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đang từng bước tạo dấu ấn trên thị trường
Dù vậy, theo tôi, dung lượng thị trường dành cho DN Huế đang trên đà mở rộng. Điều đó thể hiện qua việc quy mô kinh tế và cơ cấu ngành của thành phố được mở rộng; số lượng DN của Huế cũng phát triển qua từng năm; môi trường đầu tư liên tục được cải thiện… Vấn đề là DN có biết cách khai thác đúng hay không. Ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm đặc sản, du lịch, dịch vụ từ Huế có tiềm năng rất lớn để vươn xa. Muốn mở rộng thị trường, DN cần có chiến lược tiếp thị phù hợp, đặc biệt là hướng đến khách hàng toàn quốc và xuất khẩu.
Bà vừa nhắc đến việc tận dụng các nền tảng số để bán hàng. Các kênh bán hàng như sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội (MXH) có vai trò thế nào trong thời đại công nghệ số?
TMĐT và MXH không chỉ là xu hướng mà là “con đường sống” của DN hiện nay, giúp DN tiếp cận khách hàng nhanh, tiết kiệm chi phí, dễ đo lường hiệu quả. Đối với DN trẻ, startup và cả DN truyền thống, muốn mở rộng thị trường thì các kênh bán hàng như TMĐT và MXH đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, DN phải có tư duy bán hàng online chuyên nghiệp, đầu tư vào hình ảnh, nội dung và tận dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm mua sắm hấp dẫn.
Trước đây, DN chủ yếu bán hàng qua cửa hàng truyền thống, bị giới hạn bởi vị trí địa lý, nhưng với TMĐT và MXH, DN ở Huế có thể tiếp cận khách hàng trên cả nước, thậm chí quốc tế mà không cần mở thêm cửa hàng. Bán hàng qua TMĐT giúp DN tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, nhân sự và các chi phí vận hành khác. MXH không chỉ là nơi giao tiếp, mà còn là nền tảng bán hàng. DN có thể sử dụng quảng cáo để nhắm đúng khách hàng mục tiêu theo độ tuổi, giới tính, sở thích, vị trí địa lý…
Theo bà, DN Huế đã tận dụng tốt các nền tảng này chưa? Họ gặp những khó khăn gì?
Các DN tại Huế đang từng bước tận dụng các nền tảng MXH và sàn TMĐT để mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhiều DN đã tích cực sử dụng các kênh này để tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, mức độ tận dụng vẫn chưa đồng đều và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Nhiều DN còn dè dặt, chưa dám thử sức hoặc chưa có chiến lược rõ ràng. Một số đã tham gia nhưng làm theo phong trào, chưa tối ưu hóa nội dung, chưa biết cách tạo sự khác biệt. Điều này dẫn đến hiệu quả bán hàng chưa cao.
Quá trình tận dụng sàn TMĐT, MXH không cần nhiều vốn đầu tư ban đầu, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, dễ dàng thử nghiệm sản phẩm mới; chi phí thấp hơn so với kinh doanh truyền thống; tối ưu hóa quảng cáo và đo lường hiệu quả; thúc đẩy thương hiệu cá nhân và DN; tận dụng xu hướng mua sắm mới… Dù vậy, số lượng DN tham gia TMĐT và MXH rất lớn, nếu không có chiến lược rõ ràng, sản phẩm sẽ bị chìm trong vô số lựa chọn khác.
Hội Doanh nhân trẻ thành phố đã có những giải pháp gì để hỗ trợ DN trẻ, DN khởi nghiệp?
Hội Doanh nhân trẻ thành phố đã có nhiều chương trình và hoạt động hỗ trợ DN trẻ, DN khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên các nền tảng số. Chúng tôi tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng online và TMĐT; tổ chức các khóa học, hội thảo chuyên đề về kinh doanh trên nền tảng số như: facebook, tiktok shop, shopee, lazada…; đào tạo kỹ năng quay dựng video ngắn, livestream bán hàng đa nền tảng; cung cấp kiến thức về thuật toán quảng cáo, tối ưu nội dung để tăng tương tác và doanh số; kết nối DN với các chuyên gia, hỗ trợ chiến lược bán hàng trên nền tảng số, tổ chức các phiên MegaLive cùng nhiều KOL...
Để thành công trên MXH và sàn TMĐT, tôi cho rằng DN trẻ, DN khởi nghiệp đừng chờ đợi mà hãy bắt đầu ngay. Thị trường online thay đổi nhanh, nếu không hành động ngay, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. DN cần xây dựng thương hiệu trên các nền tảng số.
Bán hàng online không chỉ là đăng sản phẩm mà là tạo ra trải nghiệm; đừng bán hàng theo kiểu truyền thống, hãy tạo cảm xúc cho khách hàng. Ngoài ra, cần tận dụng đa nền tảng, tránh phụ thuộc vào một kênh duy nhất, bởi mỗi nền tảng có những ưu điểm riêng. Bán hàng online không chỉ là một kênh, mà là một chiến lược dài hạn. Nếu làm đúng cách, DN trẻ, DN khởi nghiệp ở Huế có thể bứt phá và vươn xa trong thời đại số.