Bản hùng ca về ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam
Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ tịch Hồ Chí Minh quân và dân ta kết thúc 'Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…' để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Đó không chỉ là biểu tượng minh chứng cho sức mạnh chính trị, tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam, mà còn là biểu tượng vùng lên của các dân tộc thuộc địa lật đổ ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cầu.
ĐẬP TAN TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM MẠNH Ở ĐÔNG DƯƠNG
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, để cứu vãn tình thế, Tướng H.Navarre (H.Na-va) đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre (Kế hoạch Na-va) nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.
Lúc này, Tướng Na-va cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp, Mỹ đều đánh giá cao tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương là “bàn đạp tiêu diệt đầu não kháng chiến” của Việt Minh.
Có thể nói, kế hoạch Na-va nói chung, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói riêng là sự cố gắng lớn nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ trong 9 năm xâm lược ở các nước Đông Dương.

Ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” bay phấp phới trên nóc hầm Tướng Đờ Cát-tơ-ri. Ảnh: Tư liệu
Về phía ta, cuối năm 1953, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình và sự tương quan lực lượng, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đánh giá Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.
Cùng ý chí, quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm dấy lên không khí sôi nổi đồng lòng, dốc sức cho chiến dịch; bên cạnh đội quân chủ lực, nhân dân tất cả mọi miền gồm lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác… tất cả đều tham gia chiến dịch.
Chính sự phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo trực tiếp chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các đợt tấn công của địch, từng bước làm phá sản kế hoạch Na-va; sau đó dồn lực tập trung vào một trận quyết chiến, đập tan hoàn toàn kế hoạch Na-va.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã; đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực (16.200 quân, trong đó có trên 1.700 sĩ quan và hạ sĩ quan) và phương tiện chiến tranh của địch (bắn rơi 62 máy bay, thu 28 pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20 nghìn lít xăng dầu...), giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Với chiến thắng này, ta đã đập tan mọi âm mưu chiến lược quân sự của thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Gơ-ne-vơ (tháng 7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954) của dân tộc Việt Nam.
CHIẾN THẮNG CỦA TRÍ TUỆ VÀ BẢN LĨNH
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh. Đó là tinh thần bất khuất, quật cường của một dân tộc quyết chống giặc ngoại xâm. Đó còn là nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc của quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển hướng chiến lược đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng, và quyết định sáng suốt ấy đã được thực tiễn lịch sử chứng minh bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khi nói đến kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954 cho đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra hai điểm nổi bật. Một là, địch có kế hoạch tập trung binh lực, tăng cường khối lực lượng cơ động chiến lược, nhằm giành lại chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn.
Ta đã sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở. Ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, phá hoại công cụ chiến lược chủ yếu của chúng, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, làm phá sản kế hoạch Na-va.
Hai là, địch không có ý định điều quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc. Ta đã buộc chúng phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Ta đã tạo nên thời cơ và đã lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ trước đây không nằm trong kế hoạch chiến lược của Tướng Na-va đã trở thành trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Về phía ta, ta đã nắm giữ được quyền chủ động trên chiến trường và đẩy địch vào thế bất ngờ, bị động, phải đánh theo cách đánh của ta. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong sự chỉ đạo chiến lược ấy, Đảng ta luôn luôn nắm vững phương châm tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật bất ngờ.
Phương châm đó đã được vận dụng và phát triển sáng tạo trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp. Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công”.
Đồng thời, sự thành công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là việc áp dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối chiến tranh: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, kết hợp Lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, xây dựng Lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân, hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh vũ trang, cùng quân và dân cả nước đồng lòng góp người, góp của với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” đã quy tụ thành sức mạnh của chiến tranh nhân dân của một dân tộc vùng lên đánh đuổi kẻ thù.
71 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn vang vọng, là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong muốn.