Băn khoăn chuyện ôn luyện của học sinh cuối cấp khi dừng dạy thêm trong nhà trường

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm được áp dụng ngay trong học kỳ 2 năm học 2024 - 2025, thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 đang đến gần gây nhiều lo lắng cho học sinh cuối cấp và phụ huynh.

Hối hả tìm chỗ ôn thi

Sau khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tạm dừng mọi hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí. Trong khi chờ hướng dẫn, nhiều phụ huynh và học sinh cuối cấp đã tìm tới những "chiếc phao cứu sinh" từ các lớp học thêm online, các trung tâm luyện thi để giúp con em mình bồi dưỡng kiến thức.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp tối ưu vì chưa chắc các em đã phù hợp với các lớp học này. Hơn nữa, việc đột ngột thay đổi giáo viên trong giai đoạn nước rút ít nhiều khiến học sinh cuối cấp khó thích nghi với phương pháp truyền đạt.

Phạm Hoàng Bách, học sinh lớp 12 ở quận Nam Từ Liêm lo lắng cho biết: "Năm nay là một năm rất đặc biệt với lứa học sinh 2k7 vì chúng em lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Ở giai đoạn nước rút này, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới kỳ thi quan trọng của cả 12 năm đèn sách, nếu nhà trường kéo dài thời gian không dạy thêm thì chúng em không biết sẽ tiếp tục ôn luyện thế nào".

Cũng là một học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Lan Nhi - học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long bày tỏ: "Trước đây em tham gia cùng lúc 3 lớp học thêm trong tuần thì giờ chỉ còn 1 lớp. "Các môn em học thêm giáo viên ở trường trong tuần thì đến nay thầy cô vẫn chưa thông báo thời gian đi học lại, chỉ có lớp học IELTS tại một trung tâm là em vẫn đi học thêm bình thường".

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Lan Nhi cho biết, để yên tâm khi kỳ thi đại học đang tới gần, hiện em và gia đình đang gấp rút tìm trung tâm ôn thi do các giáo viên khác dạy Toán và Vật lý. "Em rất lo lắng vì việc thay đổi giáo viên giữa chừng như vậy em sẽ khó mà có thể thích nghi được".

Phụ huynh Quốc Cường, có con đang học lớp 9 tại quận Tây Hồ bày tỏ: "Kỳ thi lớp 10 đang đến gần, môn thi thứ ba hiện còn chưa biết, nay lại "cắt" học thêm trong nhà trường nên gia đình rất lo lắng. Tôi vẫn mong muốn con được tham gia lớp ôn thi trong trường vì thầy cô sẽ biết phần kiến thức nào con còn yếu sẽ bổ sung hoặc nâng cao. Tuy nhiên, đến nay thầy cô vẫn chưa có thông báo thời gian dạy lại nên tôi vô cùng sốt ruột. Con thì không có khả năng tự học mà tìm trung tâm thì không biết giáo viên nào sẽ phù hợp".

Tránh tâm lý vội vã tìm trung tâm không bảo đảm chất lượng

Sau Thông tư 29, bên cạnh những học sinh tìm học tại trung tâm thì vẫn có không ít học sinh cùng phụ huynh bình tĩnh lên kế hoạch tự học. Đây cũng là phương thức học được khuyến khích theo tinh thần Thông tư 29.

Một giáo viên dạy cấp THCS tại quận Hai Bà Trưng cho biết, nhà trường đang học chương trình theo thời khóa biểu và tạm dừng các tiết học tăng cường. Có thể cuối tháng 3, các lớp học thêm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh lớp 9 mới được mở. Trường quán triệt phụ huynh việc quản lý, nhắc nhở con để rèn thói quen tự học, tránh tâm lý vội vã tìm trung tâm không bảo đảm uy tín, chất lượng.

Theo cô Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thị (huyện Gia Lâm): "Học sinh khối 9 hiện chỉ học buổi sáng rồi về nhà. Thầy cô khuyến cáo, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, các em sẽ tự học từ 2 -2,5 tiếng buổi chiều. Trong quá trình tự học có bất cứ thắc mắc nào muốn hỏi thì kết nối nhờ thầy cô giải đáp".

"Trong giai đoạn này, giải pháp được nhiều thầy cô lựa chọn để hỗ trợ các em là cho thêm bài tập về nhà, định hướng các em ôn luyện online và tự học tại nhà", cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên dạy Toán chia sẻ.

Theo cô Dung, từ nay tới khi thi, học sinh cần đề ra nội dung ôn tập và phương pháp ôn tập bám sát với cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố. "Các em cần hệ thống hóa công thức, làm bài tập lý thuyết; làm đề nhanh, ghi nhớ cách giải nhanh; rèn kỹ năng kiểm tra phát biểu đúng/sai, chú ý lý thuyết đặc biệt; giải bài toán thực tế, tìm phương pháp giải tối ưu; tập giải đề theo thời gian quy định, kiểm tra sai sót, rút kinh nghiệm; rà soát những dạng bài dễ sai, thực hành nhiều đề tham khảo...".

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc ôn thi cuối cấp là trách nhiệm của giáo viên và các nhà trường. Các nhà trường và giáo viên có trách nhiệm dạy học để học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra; ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.

Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Thông tư 29, trong đó có việc đảm bảo công tác ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương có cơ chế hỗ trợ cho các giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ban-khoan-chuyen-on-luyen-cua-hoc-sinh-cuoi-cap-khi-dung-day-them-trong-nha-truong-169250219230230459.htm