Băn khoăn giữ hay đổi tên luật Hợp tác xã

Chiều 01/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Việc giữ hay đổi tên luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như trong tờ trình của Chính phủ là vấn đề nhận được sự quan tâm của các ĐBQH.

Đồng tình với việc đổi tên luật, các đại biểu cho rằng, việc đổi tên như vậy phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 xác định “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao”. Ngoài ra Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng với nhiều đối tượng không chỉ HTX mà còn có các tổ chức kinh tế khác như: tổ hợp tác, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX.

Bà NGUYỄN THỊ YẾN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “So với tình hình đổi mới đòi hỏi đổi tên cho phù hợp như dự thảo Luật Chính phủ trình là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. Còn nếu để lại tên HTX thì phải đổi lại toàn bộ nội dung dự thảo Luật này. Thống nhất đổi tên.”

Bà LÝ TIẾT HẠNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Theo phân tích từ ngữ trong đây thì xét về giải thích từ ngữ thì hợp tác xã là tập hợp con của tổ chức kinh tế hợp tác và theo cách hiểu của tôi thì tên luật thì phải phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật. Mà như vậy thì trong phần sửa đổi này sửa đổi rất lớn, sửa đổi tới 65 điều. Nhưng vấn đề là khi nếu chúng ta lấy tên là tổ chức kinh tế hợp tác thì như vậy thì phạm vi điều chỉnh của nó và đối tượng áp dụng của nó sẽ đi theo hướng là nó là kinh tế hợp tác. Như vậy thì hợp tác xã thì chúng ta bỏ đi đâu? tôi thấy chỗ này tôi thấy rất khó hiểu và bản thân tôi bây giờ bảo là chọn phương án, tôi không biết chọn phương án nào cả.”

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm hợp tác xã đã gắn với lịch sử phát triển của Việt Nam, được sử dụng thường xuyên và dẫn chiếu Luật hợp tác xã với các luật khác. Ngoài ra, lý do đổi tên Luật vì bổ sung một số đối tượng như tổ hợp tác, liên đoàn HTX là chưa hợp lý.

Ông NGUYỄN ĐÌNH VIỆT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Cái tôi quan tâm là chính sách quy định trong luật, chứ không nằm ở tên luật. Điểm nữa nếu đổi tên thì cũng vướng trong tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật, các dẫn chiếu cũng dẫn tới tên gọi Luật HTX, do vậy nếu sửa tên gây tốn kém không cần thiết. Tờ trình của Chính phủ lý giải khi sửa tên để bổ sung mở rộng phạm vi áp dụng tổ hợp tác và liên đoàn. Dù vậy nòng cốt của các tổ chức này đều là htx, liên minh hay liên đoàn là tổ chức phái sinh của HTX nên cần giữ tên luật.”

Bà TRỊNH THỊ TÚ ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng:“Tôi đồng ý phương án 2 giữ nguyên tên vì tên gọi HTX sửa đổi có tính quốc tế phù hợp và nó tương thích với quốc tế. VD Thái Lan có Luật HTX, Philipine, Ấn Độ đã ban hành lâu và vẫn giữ nguyên tên. Ở Nhật có luật HTX cho riêng từng lĩnh vực (Luật HTX, Ngân hàng lao động, Luật HTX trồngg rừng,..) Trung quốc cũng có luật HTX nông nghiệp 2006. Do đó tên HTX của ta phù hợp với thể chế của nhà nước và thống nhất với quốc tế.”

Các đại biểu nhấn mạnh, ngay từ tên gọi của Luật phải hướng tới cách tiếp cận phù hợp với quy luật và xu hướng lâu dài, đồng thời tạo tính thống nhất với các Luật khác. Với nhiều băn khoăn, các ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục làm rõ nội hàm, quy định trong Luật để có tên gọi chính xác và phù hợp nhất.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ban-khoan-giu-hay-doi-ten-luat-hop-tac-xa