Băn khoăn kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên

Ngày 8-5, Sở GD-ĐT TPHCM công bố thống kê kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh dành cho giáo viên tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM. Theo đó, toàn thành phố có 41% giáo viên đạt trình độ B1, 31% đạt trình độ dưới B1, 14% đạt trình độ B2, 12% đạt trình độ C1 và 2% đạt trình độ C2.

Nếu thống kê theo cấp học, giáo viên tiếng Anh có năng lực ngoại ngữ không chênh lệch nhiều giữa các cấp học, trình độ chiếm tỷ lệ đa số là C1. Trong khi đó, đối với giáo viên các môn học khác tiếng Anh, trình độ chiếm tỷ lệ đa số là B2 và có sự chênh lệch giữa các cấp học. Đợt khảo sát vừa qua ghi nhận tổng cộng 50.278 giáo viên tham gia, với hơn 22.000 giáo viên tiểu học, 18.000 giáo viên THCS và hơn 8.000 giáo viên THPT.

Điều đáng nói là trước khi tiến hành đợt khảo sát năng lực tiếng Anh theo hình thức trực tuyến, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho giáo viên tự đánh giá trình độ của mình. Kết quả tự khảo sát cho thấy, có 9,45% giáo viên đạt trình độ A1; 11,35% đạt trình độ A2; 35,09% đạt trình độ B1; 13,63% đạt trình độ B2; đạt trình độ C1 và C2 chiếm tỷ lệ không đáng kể. Như vậy, kết quả khảo sát cao hơn rất nhiều so với trình độ các thầy cô tự đánh giá.

Lý giải điều này, giáo viên một trường THPT ở quận 3 (TPHCM) cho biết, do bài khảo sát thực hiện theo hình thức trực tuyến, thời gian triển khai gấp gáp, mục tiêu khảo sát không rõ ràng nên nhiều thầy cô sử dụng “quyền trợ giúp” là nhờ người thân làm khảo sát.

Thừa nhận thực tế này, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, kết quả khảo sát chỉ được đánh giá “có độ tin cậy” đối với người thực hiện khảo sát là giáo viên tiếng Anh; giáo viên các môn học khác tiếng Anh có kết quả đánh giá bằng hoặc chênh một bậc so với chứng chỉ đã đạt được; giáo viên các môn học khác tiếng Anh không có chứng chỉ ngoại ngữ và có kết quả khảo sát dưới B1.

Những trường hợp giáo viên môn học khác tiếng Anh có kết quả khảo sát chênh 2 bậc so với chứng chỉ đã đạt được, thời gian hoàn thành bài khảo sát ngắn được đánh giá “chưa đủ độ tin cậy”. Những trường hợp không xác định được môn học của giáo viên tham gia khảo sát và chứng chỉ đã đạt nhưng kết quả đánh giá đạt từ B2 trở lên được đánh giá “chưa có thông tin tin cậy”.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định kết quả khảo sát chỉ nhằm thống kê, đánh giá thực trạng năng lực ngoại ngữ của giáo viên trên địa bàn, phục vụ công tác quy hoạch và bồi dưỡng về sau; không yêu cầu giáo viên đi học bồi dưỡng, điều chuyển công tác hoặc ảnh hưởng lương, thưởng. Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện đại trà cho tất cả cấp học, không phân biệt giáo viên tiếng Anh hay giáo viên các môn học khác, dẫn đến tâm lý hoang mang trong đội ngũ giáo viên.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu chưa phù hợp với đặc thù giáo viên ở các trường khu vực ngoại thành, giáo viên dạy nhiều môn ở bậc tiểu học. Vì vậy, kết quả khảo sát không phản ánh đúng thực trạng đội ngũ giáo viên, vừa gây tốn kém vừa tạo tâm lý bất an trong đội ngũ giáo viên.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ban-khoan-ket-qua-khao-sat-nang-luc-tieng-anh-giao-vien-post794393.html