Băn khoăn quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển

Kể từ năm 2025, các trường đại học (ĐH) phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về thang chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng, đồng thời việc quy đổi phải có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Hiện một số trường ĐH cũng đã và đang xây dựng phương án quy đổi điểm tương đương theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, xung quanh quy định này vẫn đang còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Về phương án quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về một thang chung, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dữ liệu học bạ THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi điểm xét tuyển năm 2025 nhằm bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp các năm trước như thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức xét tuyển tối thiểu 2 năm trước liền kề; kết quả học tập của sinh viên tại trường. Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ GD&ĐT công bố sau khi có kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường căn cứ đặc thù của chương trình đào tạo, ngành, nhóm ngành hoàn thiện quy tắc quy đổi của trường.

Hiện một số trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đang dự kiến phương án quy đổi điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với điểm của phương thức thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, công thức quy đổi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng trên một biểu đồ, thí sinh có thể nhập điểm kỳ thi đánh giá năng lực vào để nhận kết quả quy đổi sang điểm thi THPT. Chẳng hạn, 6 điểm kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 7,25 điểm thi tốt nghiệp THPT; 7 điểm thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 8 điểm thi tốt nghiệp THPT; 8 điểm thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 8,67 điểm tốt nghiệp THPT.

Còn theo phương án dự kiến của ĐH Bách Khoa Hà Nội, đầu vào theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm thi đánh giá tư duy sẽ được quy đổi tương đương với điểm của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo công thức: "y = ax + b". Ví dụ, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét của kết quả thi đánh giá tư duy, x là điểm xét theo điểm thi THPT; a, b là các hệ số quy đổi. Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b để tính.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải quy các phương thức xét tuyển về một thang chung về mặt lý thuyết là nhằm hướng tới sự thống nhất và dễ quản lý. Việc đưa các phương thức tuyển sinh về một thang điểm chung có thể tạo ra cảm giác công bằng, dễ dàng cho các trường ĐH và cơ quan quản lý khi so sánh kết quả tuyển sinh giữa các thí sinh từ những phương thức khác nhau; giảm bớt tình trạng "loạn" xét tuyển trong bối cảnh các trường đang áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh mà chưa có cơ chế giám sát hiệu quả. Tuy nhiên, quy định này sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc triển khai thực hiện, thậm chí là phi thực tế.

Theo phân tích của TS. Lê Viết Khuyến, việc quy đổi điểm thi của các bài thi khác nhau về một thang điểm chung chỉ thực hiện được khi đảm bảo các điều kiện như các bài thi phải có tính chất tương đương, cùng đánh giá những năng lực giống nhau của thí sinh, các phổ điểm phải gần với phân bố chuẩn. Trong khi đó, bài thi tốt nghiệp THPT và các bài thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường ĐH tổ chức có bản chất khác nhau; yêu cầu kiến thức khác nhau và phổ điểm cũng không giống nhau. Do đó việc quy đổi tương đương trong trường hợp này là thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và không mang lại nhiều giá trị.

Ông Khuyến cũng cho rằng, bất cập hiện nay là việc tuyển sinh dựa trên tiêu chí điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng giảm, các trường đang dồn trọng số cho các kỳ thi riêng vốn gây tốn kém, áp lực cho thí sinh hoặc tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ theo hướng “vơ vét” thí sinh. Do đó, giải pháp phù hợp về lâu dài là Bộ GD&ĐT nên tiếp tục cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT để các trường sử dụng làm căn cứ chính trong tuyển sinh, sau đó các trường đặc thù, yêu cầu chất lượng đầu vào cao có thể thêm các tiêu chí phụ để lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến không thực hiện việc quy đổi điểm như Việt Nam đang dự kiến áp dụng. Ông Vinh cho rằng, thay vì áp đặt quy đổi điểm, chúng ta cần học theo cách làm của các nền giáo dục tiên tiến. Đó là trao quyền tự chủ cho các trường, để thí sinh lựa chọn phương thức phù hợp và Bộ GD&ĐT chuyển sang vai trò giám sát, thúc đẩy các trường ĐH tự chủ, sáng tạo và chịu trách nhiệm giải trình. Thí sinh cần được chọn phương thức phù hợp với thế mạnh và các trường buộc phải công khai toàn bộ dữ liệu tuyển sinh, từ điểm chuẩn đến tỷ lệ nhập học và chất lượng sinh viên.

Bộ GD&ĐT cần xử phạt nặng những trường gian lận chỉ tiêu hoặc đưa ra tỷ lệ không có cơ sở khoa học, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật bằng cách xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia để các trường tham khảo xu hướng tuyển sinh. Giải pháp này không chỉ phù hợp với Luật Giáo dục đại học mà còn tận dụng được công nghệ hiện đại. Phần mềm xét tuyển có thể xử lý đa dạng phương thức mà không cần quy đổi điểm.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/ban-khoan-quy-doi-diem-tuong-duong-giua-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-i763912/