Bản làng nghĩa tình ấm lòng người La Hủ
Sau nhiều đời sinh sống với tập tục du canh du cư, người La Hủ đã theo chân những người lính biên phòng xuống núi lập bản.
LTS:Trong hành trình xuống núi của người La Hủ là sự đồng hành lặng thầm đồng hành của những người lính biên phòng tỉnh Lai Châu. Tiếp nối bài viết “Mùa đói trên hành trình di cư”, bài viết này ghi lại dấu chân của những người lính biên phòng tỉnh Lai Châu đã bao năm in trên từng vách đá và nhuộm trắng cả sương trời, gió núi. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động cùng những bước chân di cư của người dân, đồng bào La Hủ đã hiểu ra cái lý của bộ đội biên phòng để xuống núi lập bản định cư, làm quen với cuộc sống mới.
Chị Lu Lỳ Ga ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè là một trong những người đầu tiên xuống núi lập bản vào năm 2006. Ngày ấy, khi bà con đang sống nay đây mai đó trong những mái lều tranh nơi rừng thiêng nước độc, được bộ đội biên phòng vận động xuống núi và được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ cuộc sống thì bà con mừng lắm. Họ cũng biết rằng, để có được một ngôi nhà kiên cố thì công sức của bộ đội biên phòng cũng nhiều như cây rừng, gió núi và cũng gian nan như bà con đã từng một thời hoang hoải trong rừng.
“Sống lang thang trên rừng bà con khổ lắm. Ở trên núi cũng không có một chỗ thờ cúng tổ tiên, đi đến đâu là mình phải làm bàn thờ ở đó. Thấy bộ đội biên phòng tìm đến nói, xuống núi ở sẽ bớt khổ, con cháu mình sẽ được đi học chữ, không còn đói rét nữa. Khi thấy một hộ, hai hộ theo chân bộ đội xuống núi nên mình cũng theo xuống. Về ở bản mới có nhà cao rộng để ở, được hỗ trợ cuộc sống, bà con không còn phải chịu đói rét nữa”, chị Lu Lỳ Ga chia sẻ.
Từ một vài hộ ban đầu, số hộ dân tin và theo bộ đội biên phòng xuống núi định cư ngày càng nhiều. Trong khi nguồn lực hỗ trợ làm nhà của Nhà nước từ các chính sách dành cho đồng bào La Hủ hàng năm có hạn, thì năm 2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Công an, tỉnh Lai Châu đã có Đề án 245 hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Tè, trong đó có đồng bào La Hủ. Chưa đầy 3 tháng, hơn 1.000 căn nhà được lực lượng biên phòng cùng với các lực lượng khác tại địa phương làm mới và sửa chữa để bàn giao cho bà con.
Thượng tá Phan Văn Hóa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu nhớ lại, đề án triển khai vào mùa mưa nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã động viên cán bộ, chiến sĩ, triển khai bằng các biện pháp tích cực. Với am hiểu về phong tục của đồng bào trên địa bàn, cán bộ chiến sĩ biên phòng đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình và kịp thời hoàn thành nhà bàn giao cho người dân sử dụng.
Bên ngôi nhà mới của gia đình, ông Thàng Mý Sè, ở bản Mu Chi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè với đôi mắt rưng rưng kể lại: Đời sống của dân tộc La Hủ chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không đủ ăn, chủ yếu là ăn củ mài, củ nâu lấy ở rừng về. Được sự quan tâm của Đảng, trực tiếp là bộ đội biên phòng vận động dân tộc chúng tôi về sống thành từng bản. Giờ thì thích quá rồi, thích nhất là được cái mái nhà bằng sắt, nó sẽ không bị vàng như mái lợp bằng lá chuối và cỏ rừng nữa. Mái nó không vàng thì mình cũng không phải đi rừng nữa, không phải chịu đói rét nữa.
Đất trời thì vẫn giữ đủ 4 mùa theo quy luật vốn có, còn đồng bào La Hủ hôm nay đã bỏ được 2 mùa của riêng mình đó là mùa đói và mùa di cư. Những chiếc lều vàng lá năm xưa ẩn sâu trong rừng nay đã thay thế bằng nếp nhà mái tôn.
Để đồng bào yên tâm định cư thì phải ổn canh. Theo đó, Bộ đội biên phòng Lai Châu đã đi đầu trong cầm tay chỉ việc bà con thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Hôm nay người dân La Hủ đã từ bỏ tập tục phát nương trọc lỗ bỏ hạt, thay vào đó là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước. Bà con không còn thả rông con gà, con lợn như trước để thay bằng đàn bò có chuồng, có vùng chăn thả theo mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu chia sẻ: Bộ đội biên phòng đã bám bản kiên trì “4 cùng” với đồng bào, để rồi “mưa dầm thấm lâu”, đồng bào đã thay đổi từ nhận thức đến hành động. Hiện nay tất cả các đồn biên phòng đều có các mô hình giúp dân phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Đặc biệt, đồng bào La Hủ đã được các đồn biên phòng tuyến Mường Tè hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò, cấy lúa nước, trồng ngô...
Trong không khí lễ “Ồ xứ cha”, đồng bào La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã làm các mâm lễ đủ đầy bằng các sản vật do gia đình mình làm ra để dâng lên tạ ơn thần núi, thần rừng chở che cho người dân. Họ cảm ơn đất trời, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cây lúa trĩu bông và cũng thầm biết ơn những người lính biên phòng đã giúp người dân không còn đói khổ, lang thang trong rừng như trước.
Từ khi có dấu chân và bàn tay của bộ đội biên phòng, sự quan tâm của chính quyền địa phương bằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình phát triển kinh tế được hình thành, giúp cuộc sống của người dân La Hủ bước sang một trang mới. Không còn mùa đói và mùa di cư như trước, bản làng người La Hủ hôm nay đang dần được soi sáng bởi những mùa no ấm.
Trong những đêm trăng vằng vặc ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ - nơi mà dân bản từ khắp các cánh rừng xuống núi sống tập trung, người già La Hủ thường kể cho con cháu nghe một vài câu chuyện về cuộc sống xưa kia. Ai cũng muốn nghe để biết về sự lam lũ, lạc hậu của nhiều đời trước khi phải tự kiếm sống để sinh tồn nơi thăm thẳm núi rừng. Nghe để biết rằng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự góp công, góp sức của người lính quân hàm xanh, bản lành mình mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Nói như ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ huyện Mường Tè, những câu chuyện đó cũng là để các thế hệ con cháu đời sau nhớ về thủa khó khăn của ông bà mình, góp phần vào việc bảo tồn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cho dân tộc La Hủ theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, bà con thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, sát cánh cùng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Chiều biên giới, ánh mặt trời bất chợt xuống nhanh sau những cánh rừng hun hút. Ánh trăng vùng biên như rát bạc phủ lấp lánh khắp cánh rừng, soi sáng các bản làng. Trên mỗi con đường hay trong những ngôi nhà người La Hủ, khi ấy lại phảng phất ánh sao của người lính biên phòng, xen lẫn là âm thanh của tiếng sáo, lời ca mang âm điệu của gió núi, cây rừng. Vậy là từ đây, bản của người La Hủ ở Mường Tè sẽ tập trung hơn, bước chân hoang hoải năm nào cùng những chiếc lều lán của bao nhiêu mùa trước sẽ mãi mãi nằm lại ở rừng sâu./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ban-lang-nghia-tinh-am-long-nguoi-la-hu-post915308.vov