Bán mực, bạch tuộc ra nước ngoài Việt Nam dự thu về hơn 700 triệu USD
Ngành hàng mực, bạch tuộc Việt Nam đang có chuyển biến tích cực sau giai đoạn biến động kéo dài. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt gần 274 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc thu về gần 274 triệu USD. Ảnh: VASEP.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 274 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các thị trường truyền thống duy trì đà tăng trưởng ổn định, trong khi những thị trường mới nổi cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng về một năm bứt phá.
Trong số các thị trường xuất khẩu, Hàn Quốc tiếp tục là điểm đến lớn nhất, với kim ngạch đạt hơn 100 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, chiếm 36% tổng kim ngạch và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực nang đông lạnh, bạch tuộc hấp sơ chế sang thị trường này.
Thị trường Nhật Bản xếp sau với kim ngạch đạt gần 69 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. VASEP cho biết các sản phẩm mực và bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này ngày càng tăng, nhờ nhu cầu ổn định và lợi thế về các sản phẩm có chất lượng cao như dòng sản phẩm sashimi, bạch tuộc hấp...
Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường Trung Quốc cũng đang có xu hướng bứt phá với mức tăng trưởng cao trong 2 tháng trở lại đây, sau khi liên tục sụt giảm trong các tháng đầu năm.
Gần đây, thị trường tỷ dân đã mở cửa trở lại và gia tăng nhập khẩu các sản phẩm mực đông lạnh, hàng sơ chế để phục vụ chuỗi dịch vụ ăn uống. Số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng ghi nhận đà tăng nhanh. 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nhóm hàng mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt gần 15 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.
EU hiện là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong đó, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ là 3 nước dẫn đầu trong khối, với mức tăng trưởng lần lượt là 6%, 71% và 24%.
Các thị trường xuất khẩu mới nổi như Philippines, UAE, Campuchia, Canada... đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ, mở ra nhiều tiềm năng cho phân khúc trung cấp và tiện lợi.
Nhìn chung, theo VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong 5 tháng đầu năm đã có bước khởi đầu mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu vượt 700 triệu USD cả năm nay.
Hiệp hội khuyến nghị trong bối cảnh thị trường toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc và mở rộng tiếp cận thị trường mới nổi để tăng tính bền vững cho ngành hàng chiến lược này.
Dĩ nhiên, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc "khơi thông" nguồn nguyên liệu trong nước, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong khâu xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác...