Bán nông sản trực tuyến trong mùa dịch
Trước nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, hàng loạt tỉnh, thành đang rục rịch tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn , đồng thời đưa nông sản lên các kênh thương mại điện tử.
Người dân đang dần chuyển cách bán hàng qua hình thức thương mại điện tử
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái nông sản bị ùn ứ trong đợt dịch, năm nay, Hải Dương đã sớm lên phương án sản xuất nông sản trong tâm thế đối mặt với dịch COVID-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào.Trong đó, tỉnh xác định cấp bách thay đổi việc quảng bá và cách thức tiêu thụ nông sản.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương, tỉnh đang có khoảng 9.100 ha vải thiều, với sản lượng hơn 55 nghìn tấn, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Trước đây, cứ vào vụ này, người dân Hải Dương chở từng xe máy, xe tải chở ra các cửa khẩu với Trung Quốc để bán. Nhưng giờ đây, người dân đang có một kênh tiêu thụ mới, bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về kế hoạch đưa các nông sản của Hải Dương lên các sàn trong và ngoài nước, và đang triển khai kế hoạch tập huấn cho người nông dân về cách bán hàng trên các kênh này, từ việc chụp ảnh, quay video, tạo tài khoản, viết nội dung ...Tỉnh cũng đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn, kỳ vọng sẽ giải quyết được những điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản trong khi dịch chưa khống chế được.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kế hoạch tiêu thụ nông sản quy mô lớn với hình thức mới. Theo ông Thành, hiện tại, Bắc Giang có khoảng 28.000 ha vải thiều, với sản lượng ước đạt 180 - 200 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.
Theo ông Thành, với thị trường trong nước, tỉnh đã mời các doanh nghiệp như Metro, Central Detail, Coopmart… đưa hàng nông sản vào tiêu thụ trong các trung tâm thương mại. Còn thị trường xuất khẩu nhận được nhiều tín hiệu tích cực khi Nhật Bản đã ủy quyền cho phía Việt Nam giám sát tiêu chuẩn chất lượng xuất vào thị trường họ nên các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có thể chủ động triển khai. Phía thị trường Trung Quốc, Chính phủ đã cho phép các chuyên gia, thương nhân nước này vào Việt Nam (sau khi cách ly) để thu mua, kết nối tiêu thụ.
Ông Thành cho biết, ở Bắc Giang sau 1 năm trải qua dịch COVID-19, phần lớn người dân của tỉnh đã bắt đầu chuyển sang bán hàng qua hình thức online.
Học cách tiếp thị chuyên nghiệp
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại cho rằng, trong bối cảnh này, việc các tỉnh, thành thúc đẩy chuyển đổi phương thức tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử, trực tuyến là cấp thiết, phù hợp. Tuy nhiên, nhiều hộ dân hiện còn chưa nắm rõ về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing qua hình thức này...nên gặp không ít khó khăn.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ này đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến để hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 5, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, cùng các địa phương sẽ tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên…với sự góp mặt của đại diện gần 30 quốc gia, và đại diện hàng chục các thương vụ, đại sứ quán, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ban-nong-san-truc-tuyen-trong-mua-dich-post1336037.tpo