Bản tin 10/5: Các trường Y Dược đồng loạt tăng học phí, cao nhất gần 130 triệu đồng/năm
Các trường Y Dược đồng loạt tăng học phí, cao nhất gần 130 triệu đồng/năm; Khởi tố 2 đối tượng buôn lậu thuốc nhúng chín sầu riêng, giao dịch hơn 97 tỷ đồng...
Các trường Y Dược đồng loạt tăng học phí, cao nhất gần 130 triệu đồng/năm

Ảnh minh họa.
Theo VTC News trường Đại học Y dược Cần Thơ thông tin học phí khóa tuyển sinh năm 2025 cao nhất hơn 63 triệu đồng/năm. Các ngành gồm: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học. Các ngành còn lại học phí từ 44 đến gần 60 triệu đồng/năm. So với năm 2024, học phí hầu hết các ngành có mức tăng 10 - 12 triệu đồng/năm học. Riêng ngành Y khoa tăng gần 14 triệu đồng so với khóa tuyển sinh năm 2024.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cũng công bố thông tin học phí dự kiến năm 2025. Trong đó, ngành Y khoa và Dược học có mức thu 40 triệu đồng/năm, riêng ngành Y khoa tăng 8,9 triệu đồng so với năm trước. Các ngành còn lại học phí dự kiến năm 2025 ở mức 30 triệu đồng/năm (tăng 6,4 triệu đồng so với năm 2024).
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí dự kiến cho năm 2025 - 2026, với hai khung chính là 41,8 triệu đồng/năm cho các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng, Dinh dưỡng và 55,2 triệu đồng/năm cho các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền.
Năm nay, Trường Đại học Y Dược Tp.HCM dự kiến giữ ổn định học phí so với năm 2024. Thí sinh trúng tuyển năm 2025 đóng học phí dự kiến từ 30 - 84,7 triệu đồng/năm tùy ngành. Ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất là 84,7 triệu đồng. Tiếp đến, ngành y 82,2 triệu đồng/năm. Ngành Dược dự kiến thu 60,5 triệu đồng/năm. Các ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Hóa dược cùng mức học phí dự kiến 50 triệu đồng/năm. Các ngành có cùng mức thu 46 triệu đồng/năm gồm: Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y tế công cộng.
Dự kiến Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột dự kiến tăng từ mức 60 triệu đồng/năm lên 65 triệu đồng/năm với ngành Y khoa chương trình đào tạo Tiếng Việt. Đáng chú ý, với chương trình đào tạo tiếng Anh ngành Y khoa, trường dự kiến áp mức học phí 5.000 USD/năm (khoảng hơn 129 triệu đồng). Ngành Y học cổ truyền học phí 50 triệu đồng/năm, Y học dự phòng 40 triệu đồng/năm. Thấp nhất là ngành Y tế công cộng, dự kiến thu 20 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng công bố học phí tạm thu học kỳ 1 năm học 2025 - 2026 ở mức 72 triệu đồng với ngành Răng - Hàm - Mặt, Y khoa. Với 15 học kỳ, học phí toàn khóa 2 ngành này ở mức hơn 1 tỷ đồng (chưa gồm học phí giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng - an ninh).
Ngành Y học cổ truyền tạm thu 32 triệu đồng/học kỳ, Dược học 23 triệu đồng/học kỳ, các ngành cử nhân sức khỏe khác 22 triệu đồng/học kỳ (10 học kỳ/khóa học).
Trong năm học 2024 - 2025, trường này công bố học phí trong đề án tuyển sinh ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt chương trình tiếng Anh ở mức 210 triệu đồng/năm; các ngành khác chương trình Tiếng Việt khoảng 55 - 90 triệu đồng/năm.
Bố trí đủ kinh phí chi trả cho người nghỉ việc, dôi dư sau sắp xếp bộ máy
Sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026-2030 của cả nước nhờ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Khởi tố 2 đối tượng buôn lậu thuốc nhúng chín sầu riêng, giao dịch hơn 97 tỷ đồng
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Nguyên (SN 1983, trú tại ấp Hội Lễ, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và Trần Văn Ngọ (SN 1980, trú thôn 5, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vì có hành vi buôn lậu thuốc nhúng làm chín sầu riêng và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo điều tra ban đầu, năm 2022, Nguyên bàn bạc với Ngọ việc mua bán các loại thuốc nhúng sầu riêng (làm chín, bảo quản), thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan về Việt Nam, để bán kiếm lời.
Khi có yêu cầu của Nguyên về số lượng hàng hóa, Ngọ sẽ liên hệ với một công ty tại Thái Lan để mua hàng, đóng gói, vận chuyển số hàng này thông qua việc vượt biên bằng đường tiểu ngạch về Việt Nam.
Giữa Nguyên và Ngọ đều trao đổi, thỏa thuận thông qua mạng xã hội và giao dịch qua tài khoản ngân hàng.
Ngày 31/7/2024, khi Nguyên đang cùng nhiều người bốc xếp hàng hóa tại Khu đô thị Ecocity Premia thuộc phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị đi giao hàng thì bị cơ quan công an bắt quả tang.Khởi tố 2 đối tượng buôn lậu thuốc nhúng chín sầu riêng, giao dịch hơn 97 tỷ đồng
Trúc Chi (t/h)