Bản tin chiều 12/5: Bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển

Tin tức đáng chú ý chiều 12/5: Bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; Việt Nam vào nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn của Campuchia; Thứ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư tại Mỹ; Đề xuất áp giá trần đối với nhà ở xã hội; Đồng Nai cho EVN thuê hơn 20ha đất làm dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng.

Bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động R&D nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW.

Điểm nổi bật của nội dung này là đề xuất cho phép doanh nghiệp tài trợ cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được trừ khoản tài trợ này vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhận tài trợ cũng được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt nguồn tài trợ từ doanh nghiệp độc lập hay có quan hệ liên kết.

Chính sách này được đánh giá là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng, cũng có không ít lo ngại về khả năng bị lợi dụng để chuyển lợi nhuận, chuyển giá và trốn thuế.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận một số đại biểu có ý kiến lo ngại các khoản chi cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi. Điều này cho thấy quy định này có thể tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết. Trong khi các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Trước những lo ngại này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ, song cần có đầy đủ các quy định cần thiết về chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu chống việc bị lợi dụng chính sách.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành, để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.

Việt Nam vào nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn của Campuchia

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia, nước này đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 9,13 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hàng may mặc, giày dép, sản phẩm du lịch, xe đạp, lốp ô tô, pin năng lượng mặt trời và nông sản tiềm năng như gạo, cao su, sắn, chuối, xoài và nhãn. Theo đó, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia bao gồm Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Canada.

Ở chiều ngược lại, Campuchia nhập khẩu tổng cộng 10,36 tỷ USD hàng hóa, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm xăng dầu, nguyên liệu cho ngành may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Hải quan Việt Nam, trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 28 mặt hàng chính. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 233 triệu USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng có kim ngạch trên 100 triệu USD bao gồm sắt thép với 211,2 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 101,9 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng trên đạt 547 triệu USD, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia.

Về nhập khẩu, Việt Nam đã nhập khẩu từ Campuchia 13 mặt hàng chính. Hạt điều là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất với kim ngạch đạt 496 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cao su đứng thứ hai trong danh sách nhập khẩu với 237 triệu USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của hai mặt hàng này đạt 734 triệu USD, chiếm 38% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia trong quý I/2025.

Thứ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư tại Mỹ

Ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác gồm hơn 130 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư tại Mỹ (SelectUSA 2025).

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn và đoàn sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc với nhiều tổ chức, ngân hàng và doanh nghiệp lớn của Mỹ như Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US Ex-Im Bank), Tập đoàn Intel, Tập đoàn Meta… nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại trên cơ sở hài hòa lợi ích, cùng phát triển bền vững.

Trước đó, tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đoàn công tác tham dự SelectUSA 2025 của Việt Nam có số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp Việt Nam đến môi trường đầu tư Mỹ và mong muốn tăng cường sự hiện diện tại thị trường này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ chào mừng các DN Việt Nam tham dự SelectUSA 2024

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ chào mừng các DN Việt Nam tham dự SelectUSA 2024

Ngoài việc tham dự và chủ trì các hoạt động tại hội nghị, đoàn công tác sẽ làm việc với các cơ quan chức năng Mỹ, hiệp hội và doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, khởi nghiệp, ngân hàng, tài chính xanh và số.

SelectUSA là một sáng kiến của Chính phủ Mỹ do Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng, với mục tiêu tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và xúc tiến đầu tư vào Mỹ. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy việc làm cho người dân Mỹ mà còn nâng cao nhận thức về vai trò then chốt của đầu tư phát triển kinh tế đối với nền kinh tế quốc gia.

SelectUSA được đánh giá là một sự kiện uy tín, được tổ chức thường niên, quy tụ các công ty toàn cầu, các cơ quan phát triển kinh tế (EDO), chuyên gia đầu ngành và các bên liên quan để thảo luận về môi trường đầu tư, xu hướng ngành và các cơ hội đầu tư mới tại Mỹ.

Đề xuất áp giá trần đối với nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Trong báo cáo thẩm định dự thảo nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về giá trần với nhà ở xã hội để bán và cho thuê nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Bộ này cũng cho rằng cần có quy định về hậu kiểm để tránh lạm dụng chính sách về nhà ở xã hội.

Theo quy định hiện hành, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (không quá 10%). Mức giá này do UBND tỉnh thẩm duyệt, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cho biết, theo Luật Nhà ở 2023, giá thuê nhà ở xã hội gồm kinh phí bảo trì, do chủ đầu tư thỏa thuận với người thuê dựa trên khung giá cho UBND cấp tỉnh quy định.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị chưa bổ sung quy định giá trần với nhà ở xã hội vào dự thảo nghị quyết. Còn quy định về hậu kiểm dự án nhà ở xã hội được Bộ này tiếp thu và bổ sung vào dự thảo.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan Nhà nước xét duyệt thông tin, hồ sơ của người mua nhà ở xã hội thay vì doanh nghiệp, để đảm bảo minh bạch. Bộ này cho rằng, cần có chế tài với chủ đầu tư không đáp ứng tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội, như cơ chế bắt buộc phải chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện để tránh lãng phí thời gian, đảm bảo cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân.

Bộ Xây dựng cho biết đang xây dựng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó tích hợp dữ liệu về người đã được mua nhà ở xã hội để theo dõi, quản lý. Còn quy định doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, không trục lợi chính sách, tham nhũng... đã được bổ sung trong dự thảo nghị quyết.

Đồng Nai cho EVN thuê hơn 20ha đất làm dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng

UBND tỉnh Đồng Nai quyết định cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê đất để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng. Đây là bậc thang thủy điện cuối cùng trên sông Đồng Nai, cũng là công trình thủy điện lớn nhất phía Nam hiện nay.

Theo quyết định 1522/QĐ-UBND, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho EVN thuê 20,86ha đất để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, tại xã Trị An (xã Hiếu Liêm cũ), huyện Vĩnh Cửu.

Trong đó, diện tích đất sử dụng vĩnh viễn là 15,48ha và diện tích đất sử dụng tạm thời là 5,37ha. Mục đích sử dụng đất là đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng.

Đối với diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 15,48ha, thời hạn sử dụng đến năm 2070; đất sử dụng tạm thời là 5,37ha, sau khi hoàn thành xây dựng dự án, EVN có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý, sử dụng.

Theo EVN, Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng có vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 200MW, dự kiến hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2027.

Dự án sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt trong những giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện. Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia; tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hằng năm; giảm phát thải CO2; giảm bớt cường độ làm việc tại các tổ máy của nhà máy hiện hữu, kéo dài tuổi thọ thiết bị.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chieu-12-5-bo-sung-uu-dai-thue-cho-hoat-dong-nghien-cuu-va-phat-trien-317769.html