Bản tin Năng lượng xanh: Equinor cho biết có thể mất hàng tỷ đô la do chính sách siết chặt năng lượng gió của Tổng thống Trump
Tuần qua, Equinor cho biết họ có thể mất hàng tỷ đô la từ dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại bang New York, trừ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược quyết định dừng thi công dự án này.

Equinor cho biết họ có thể mất hàng tỷ đô la do chính sách siết chặt năng lượng gió của Tổng thống Trump
Giữa tháng Tư, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Doug Burgum đã ra lệnh dừng thi công dự án điện gió Empire Wind của Equinor ngoài khơi bang New York, với lý do chính quyền Tổng thống Biden đã không tiến hành đầy đủ các phân tích môi trường cần thiết trước khi phê duyệt dự án này.
Đây là một đòn giáng mạnh vào ngành điện gió ngoài khơi non trẻ của Mỹ. Thông báo của Bộ trưởng Burgum đã gây chấn động toàn ngành, làm dấy lên lo ngại rằng ngay cả những dự án đã được cấp phép đầy đủ cũng không còn an toàn.
Hôm thứ Tư (30/4), Equinor cho biết dự án đã hoàn thành khoảng 30% vào thời điểm bị dừng lại, và công ty dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức chính quyền Mỹ để tìm cách đảo ngược lệnh mà họ gọi là "trái pháp luật", đồng thời đang xem xét các lựa chọn pháp lý.
Tập đoàn này cho biết khoản đầu tư đến nay có giá trị sổ sách là 2,5 tỷ USD, cùng với các rủi ro tài chính khác, trong đó có bảo lãnh và phí chấm dứt hợp đồng từ 1,5 đến 2,0 tỷ USD, chưa tính đến các yếu tố giới hạn tiềm năng như thuế.
Giám đốc điều hành của Equinor Anders Opedal cho biết công ty có thể ghi nhận một khoản lỗ giảm giá tài sản trong Quý II do lệnh của chính phủ Mỹ. “Chúng tôi đã đầu tư vào dự án Empire Wind sau khi nhận được tất cả các phê duyệt cần thiết, và việc ra lệnh ngừng thi công vào lúc này là chưa từng có tiền lệ và theo quan điểm của chúng tôi là trái pháp luật”.
Giám đốc điều hành của Equinor Anders Opedal nhấn mạnh: “Đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được cấp theo các giấy phép hợp pháp, cũng như sự an toàn của các khoản đầu tư dựa trên các phê duyệt hợp lệ”.
Với công suất lắp đặt dự kiến đạt 810 megawatt, dự án của Equinor có thể cung cấp điện cho khoảng 500.000 hộ gia đình mỗi năm và được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027.
Equinor, công ty phần lớn thuộc sở hữu của Nhà nước Na Uy, đã giành được quyền thuê khu vực dự án ngoài khơi Đại Tây Dương từ chính quyền Tổng thống Trump vào năm 2017. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã ra lệnh xem xét lại quy trình cấp phép và cho thuê các dự án điện gió ngoài khơi, dù trước đó các dự án đã được cấp phép đầy đủ và được các nhà phân tích xem là an toàn.
RWE – một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đức – tuần trước cũng cho biết họ đã tạm dừng các dự án tại Mỹ do những động thái từ chính quyền Trump.
Orsted bán cổ phần tại trang trại điện gió ngoài khơi nước Anh với giá 606 triệu USD
Hôm thứ Năm (1/5), Orsted cho biết rằng họ đã bán 24,5% cổ phần trong một trang trại điện gió ngoài khơi tại nước Anh với giá khoảng 456 triệu bảng Anh (tương đương 606 triệu USD) cho các quỹ do Schroders Greencoat quản lý.
Nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới sẽ giữ lại 25,5% cổ phần và tiếp tục là đơn vị vận hành dự án West of Duddon Sands, nằm ngoài khơi bờ biển phía tây nước Anh, với công suất 389 megawatt.
Giám đốc Tài chính của Orsted Trond Westlie, cho biết thỏa thuận này phù hợp với các mục tiêu chiến lược của công ty “về tạo giá trị, đa dạng hóa rủi ro và tái sử dụng vốn”.
Để khôi phục niềm tin từ nhà đầu tư, từ tháng Hai, Orsted đã cắt giảm các mục tiêu về đầu tư và công suất, đồng thời tạm dừng chia cổ tức như một phần của cuộc rà soát chiến lược quy mô lớn.
Nhà máy điện mặt trời Saguling tại Indonesia sẽ nhận được 60 triệu USD tài trợ thông qua JETP
Hôm thứ Ba (29/4), Ngân hàng Standard Chartered, DEG của Đức và Proparco của Pháp đã công bố khoản tài trợ trị giá 60 triệu USD cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời tại Indonesia. Dự án sẽ do ACWA Power và PLN Indonesia Power hợp tác triển khai.
Khoản tài trợ này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận chuyển dịch năng lượng sạch của Indonesia với các quốc gia phát triển, được gọi là Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP)./.