Bản tin Năng lượng xanh: Petronas hợp tác với ADNOC, Storegga để đánh giá hoạt động thu giữ và lưu trữ carbon tại Malaysia
Hôm thứ Ba (20/8), các công ty có liên quan cho biết công ty năng lượng nhà nước Malaysia Petroliam Nasional (Petronas) sẽ hợp tác với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) và công ty Storegga có trụ sở tại Anh để đánh giá khả năng lưu trữ khí thải carbon dioxide tại Malaysia.
Petronas hợp tác với ADNOC, Storegga để đánh giá hoạt động thu giữ và lưu trữ carbon tại Malaysia
Bản tuyên bố chung cho biết ba công ty trên đã ký một thỏa thuận để đánh giá khả năng lưu trữ CO2 của các tầng chứa nước mặn và xây dựng các cơ sở thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) tại lưu vực Penyu, ngoài khơi Bán đảo Malaysia.
Thỏa thuận này đặt mục tiêu thu giữ và lưu trữ ít nhất 5 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030.
Malaysia có nhiều hồ chứa nước mặn sâu, tạo cơ hội phát triển một trung tâm CCS ở Đông Nam Á.
Các công ty cho biết thêm là các hoạt động theo thỏa thuận dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
Ba Lan và Hungary trở thành động lực mới quan trọng cho sự phát triển năng lượng mặt trời của Châu Âu
Sản lượng điện từ các trang trại điện mặt trời đang tăng nhanh hơn ở Trung và Đông Âu so với bất kỳ khu vực châu Âu nào khác, vượt xa tốc độ tăng trưởng được thấy ở cả những khu vực giàu có hơn và nhiều nắng hơn của lục địa này.
Dữ liệu từ Ember cho thấy trong bảy tháng đầu năm 2024, sản lượng điện mặt trời do các công ty tiện ích vận hành tại năm nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất ở Trung/Đông Âu - Áo, Bulgaria, Hungary, Romania và Ba Lan - đã tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số này gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn châu Âu và vượt xa tốc độ của năm nhà sản xuất điện mặt trời lớn nhất ở Tây Âu, Nam Âu và Bắc Âu trong cùng kỳ.
Năm nhà sản xuất điện mặt trời hàng đầu của Trung và Đông Âu cũng đã mở rộng công suất sản xuất điện mặt trời nhanh hơn so với các đối tác trong khu vực kể từ năm 2019, mở đường cho sự tăng trưởng sản lượng điện mặt trời liên tục ở một trong những khu vực công nghiệp hóa mạnh nhất của châu Âu.
Ba Lan và Hungary cho đến nay là những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng năng lượng mặt trời quy mô tiện ích ở Trung/Đông Âu. Trong bảy tháng đầu năm, sản lượng điện mặt trời ở Ba Lan là 11,3 Terawatt giờ (TWh) và là 5,8 TWh ở Hungary. Theo Ember, những con số sản lượng đó tăng lần lượt 33,3% và 47,7% so với cùng kỳ năm 2023 và xếp hạng trong số những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở toàn châu Âu.
Về mặt sản lượng tuyệt đối, những con số sản lượng đó cũng xếp hạng cao trong số các quốc gia ngang hàng ở châu Âu. Năm nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở khu vực Trung/Đông Âu đã thúc đẩy tổng sản lượng điện mặt trời ít hơn 10% so với năm nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở Tây Âu - Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Sỹ.
Sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất năng lượng mặt trời ở Trung/Đông Âu cũng phản ánh các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch trên khắp khu vực, là nơi trước đây là một trong những khu vực đốt than nhiều nhất châu Âu.
Cả Ba Lan và Hungary - hai nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất của khu vực - đều đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 trong sản xuất điện vào giữa thế kỷ và có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất năng lượng sạch.
Về mặt sản lượng tuyệt đối, năm nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở Trung/Đông Âu vẫn đứng thứ ba trong khu vực sau năm nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở Tây và Nam Âu. Dữ liệu của Ember cho thấy trong bảy tháng đầu năm 2024, các nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Tây Âu đã tạo ra 83,53 TWh điện, trong khi năm nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Nam Âu - Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ - tạo ra 76,12 TWh.
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở Trung/Đông Âu hiện đã sản xuất nhiều hơn 76% điện mặt trời so với các đối tác của họ ở Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Thụy Điển và Vương quốc Anh) và có vẻ như đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa của năng lượng mặt trời trên khắp khu vực.
Brussels tiến gần hơn đến việc áp thuế quan chính thức đối với xe điện Trung Quốc
Hôm thứ Ba (20/80, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Brussels có ý định áp thuế chính thức đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) nhập khẩu từ Trung Quốc, tiến một bước gần hơn đến một giải pháp lâu dài để bảo vệ ngành công nghiệp BEV trong nước của Liên minh Châu Âu (EU) khỏi sự cạnh tranh từ Bắc Kinh.
Trong dự thảo kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống trợ cấp, được chia sẻ với các nhà sản xuất BEV của Trung Quốc cũng như với Chính phủ Trung Quốc và EU hôm thứ Ba, Ủy ban châu Âu đã công bố mức thuế chính thức dự kiến áp dụng cho một loạt các nhà sản xuất BEV.
Nếu được các quốc gia thành viên EU chấp thuận, các mức thuế đó sẽ được áp dụng trong năm năm kể từ ngày áp dụng, nghĩa là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ buộc phải tăng giá trong thời gian dài hơn.
Các mức thuế đã được điều chỉnh giảm nhẹ đối với ba nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc - BYD (17%), Geely (19,3%) và SAIC (36,3%) - sau khi các công ty này phản đối mức thuế tạm thời do Brussels áp dụng vào đầu tháng 7/2024.
Mức thuế đối với công ty Tesla của Mỹ, là công ty cũng được hưởng lợi từ một số khoản trợ cấp của Trung Quốc, được dự kiến ở mức 9%. Brussels cho biết công ty Tesla đã hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của mình và đã cung cấp một bức tranh toàn diện về các khoản trợ cấp mà họ nhận được từ Chính phủ Trung Quốc, cho phép họ được hưởng mức thuế suất thấp hơn.
Mức thuế suất chung đối với các nhà sản xuất BEV có trụ sở tại Trung Quốc đã hợp tác trong cuộc điều tra của Ủy ban nhưng được lấy mẫu riêng lẻ đã được điều chỉnh tăng từ 20,8% lên 21,3%. Mức thuế đối với các công ty không hợp tác đã được điều chỉnh giảm từ 37,3% xuống 36,3%.
Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố sẽ không thu thuế hồi tố đối với xe BEV nhập khẩu từ Trung Quốc mà họ đã đăng ký từ tháng 3 năm nay, sau khi không tìm thấy bằng chứng nào về tác hại vật chất đối với các công ty của EU.
Các công ty bị ảnh hưởng hoặc Chính phủ Trung Quốc hiện có 10 ngày để đưa ra ý kiến và cũng có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu tổ chức phiên điều trần. Mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được áp dụng chậm nhất là từ ngày 31/10/2024./.