Bản tin Năng lượng xanh: Sử dụng hydro không tính toán có thể làm chậm chuyển đổi năng lượng- IRENA
Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, việc sử dụng hydro của các nước G7 có thể tăng gấp 4 đến 7 lần vào giữa thế kỷ này so với năm 2020 để đáp ứng nhu cầu phát thải ròng bằng không.
Báo cáo mới của IRENA về việc sử dụng hydro
Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết “hydro phải đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng nếu thế giới muốn đáp ứng mục tiêu 1,5 °C của Thỏa thuận Paris.”
Tuy nhiên, phân tích của IRENA đã đưa ra một bức tranh tổng thể phức tạp đòi hỏi một hành động cân bằng tinh tế trong việc ứng dụng hydro. Báo cáo lưu ý rằng mặc dù hydro có tiềm năng to lớn nhưng việc sản xuất, vận chuyển và chuyển đổi hydro đòi hỏi năng lượng, cũng như đầu tư đáng kể. Việc sử dụng hydro không tính toán có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng. Do vậy, nó đòi hỏi việc thiết lập ưu tiên trong các hoạch định chính sách.
IRENA cho biết mục tiêu của G7 về mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này sẽ “đòi hỏi triển khai đáng kể hydro xanh”. Trong vài năm qua, các nền kinh tế và doanh nghiệp lớn đã tìm cách khai thác lĩnh vực hydro xanh mới nổi nhằm nỗ lực khử cacbon trong hoạt động của các lĩnh vực không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
COP27 đạt thỏa thuận đột phá về quỹ khí hậu
Kết thúc Hội nghị COP27 tại Ai Cập, hôm Chủ nhật (20/11), các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về một vấn đề gai góc nhất, là việc lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng thời tiết cực đoan trầm trọng hơn.
Các bên đã nhất trí thành lập một quỹ mới nhằm đền bù cho các quốc gia nghèo về “những mất mát và thiệt hại” mà họ đang gặp phải do thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Thỏa thuận cũng tái khẳng định nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng nhiệt độ quan trọng là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Hội nghị thượng đỉnh đã làm nên lịch sử khi là hội nghị đầu tiên mà chủ đề tài trợ chính thức về tổn thất và thiệt hại được đưa vào chương trình nghị sự của COP27. Vấn đề này lần đầu tiên được các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nêu ra cách đây 30 năm. Liên minh châu Âu cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ yêu cầu của nhóm G-77 (bao gồm 134 quốc gia đang phát triển) để tạo ra một quỹ bồi thường mới.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ: 'Các mô hình hợp tác mới' là cần thiết để đạt các mục tiêu gió ngoài khơi của Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, người đã thúc đẩy dự án trang trại gió ngoài khơi Block Island từ nhiều năm trước từ khi còn là Thống đốc bang Rhode Island, cho biết dự án tiên phong này đã đem lại những bài học quan trọng về hợp tác cải cách và thu hút sự tham gia của các bên liên quan. Cần có các mô hình hợp tác mới giữa chính phủ Mỹ và ngành công nghiệp để đạt mục tiêu 30GW năng lượng gió của chính quyền Biden vào cuối năm 2030.
Bà Gina Raimondo đã thúc đẩy ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Hoa Kỳ trong một thời gian dài, bắt đầu từ việc dẫn dắt dự án Block Island Wind gần một thập kỷ trước. Block Island 30MW là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên được phát triển ở vùng biển Mỹ và mở đường cho ngành công nghiệp năng lượng gió của Mỹ.
Bộ Năng lượng Mỹ ước tính rằng ngành năng lượng gió ngoài khơi sẽ tạo ra 12 tỷ USD đầu tư hàng năm và tạo thêm 77.000 việc làm./