Bạn trẻ thích thú với nghệ thuật hát bội

Chương trình 'Nghệ thuật hát bội' diễn ra tại Rạp Thủ Đô (Q. 5, TP. HCM) tổ chức vào tối 11/9, đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của người trẻ đối với loại hình nghệ thuật có giá trị văn hóa cao.

Bên cạnh xu hướng giải trí hiện nay, không ít bạn trẻ lại quay về hành trình gặp gỡ giá trị xưa cũ, tìm đến với các chương trình nghệ thuật hát bội, thể hiện sự yêu thích và tinh thần tiếp thu văn hóa. Lần đầu chiêm ngưỡng người diễn viên biến hóa trong vở tuồng trên sân khấu, Trần Thị Mỹ Kim (23 tuổi, Sóc Trăng) bày tỏ: “Ban đầu, mình tò mò vì nghe người ta nói hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên. Đến xem buổi diễn hôm nay, mình bị cuốn hút bởi người diễn, trang phục, màu sắc và cả âm nhạc của hát bội. Nó không chỉ đơn thuần là nghệ thuật biểu diễn mà còn là mang tính tổng hợp rất sâu sắc”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt, tổ chức nhân dịp kỷ niệm “Ngày sân khấu Việt Nam 2024”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt, tổ chức nhân dịp kỷ niệm “Ngày sân khấu Việt Nam 2024”.

Hát bội, còn được gọi là tuồng, là loại hình sân khấu cổ truyền có từ hàng trăm năm trước. Với những đặc trưng nổi bật như trang phục lộng lẫy, hóa trang cầu kỳ và lối diễn xuất cường điệu, các vở tuồng cổ thường kể về những câu chuyện lịch sử, các vị anh hùng, đề cao lòng trung hiếu, nên mang tính giáo dục cao.

Được chiêm ngưỡng hai trích đoạn tiêu biểu trong chương trình là: Lê Văn Duyệt xử ánTrần Bình Trọng tuẫn tiết, Hoàng Anh (25 tuổi, Q. Bình Thạnh) bày tỏ: “Thật ra, mình không có kiến thức về hát bội, với mình, cách trình diễn, ngôn từ của vở kịch rất mới lạ. Sau khi được bạn bè giải thích và tìm hiểu thêm, mình nhận ra rằng, mỗi động tác, mỗi câu thoại đều có ý nghĩa, đậm chất văn hóa mà tác phẩm muốn đem lại”.

Nhiều bạn trẻ thích thú khi lần đầu xem hát bội.

Nhiều bạn trẻ thích thú khi lần đầu xem hát bội.

“Giống như mình, nhiều bạn trẻ ngày nay đang tìm về với văn hóa truyền thống. Nếu có nhiều chương trình quảng bá hơn, kết hợp với công nghệ hoặc yếu tố hiện đại một cách phù hợp, thì mình tin hát bội sẽ không còn là môn nghệ thuật của quá khứ”, Hoàng Anh nói.

Cũng lần đầu trải nghiệm xem hát bội, Ngọc Linh (20 tuổi, trường ĐH Văn Lang, TP. HCM) gặp chút vấn đề: "Hát bội nặng về hình thức biểu diễn và ngôn ngữ cổ, nên có thể không dễ dàng hấp dẫn với khán giả trẻ ngay lập tức. Nhưng nếu có cơ hội nghe và xem nhiều lần, mình nghĩ rằng, mình hay các bạn sẽ dễ dàng yêu thích nó hơn”.

Những màn trình diễn ấn tượng của nghệ sĩ hát bội chiếm trọn tình cảm của người xem, khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

Những màn trình diễn ấn tượng của nghệ sĩ hát bội chiếm trọn tình cảm của người xem, khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

Có cơ hội, các bạn sinh viên thích trải nghiệm thử với nghệ thuật hát bội.

Có cơ hội, các bạn sinh viên thích trải nghiệm thử với nghệ thuật hát bội.

Ngọc Linh cho biết, cô cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với lịch sử và văn hóa Việt Nam thông qua hát bội: “Mình thích cách hát bội mang những câu chuyện lịch sử lên sân khấu. Đó là cách giúp mọi người dân đến gần hơn với văn hóa và quá khứ của dân tộc, từ đó, dạy ta biết trân trọng hơn những giá trị truyền thống”.

Hát bội (còn gọi là hát bộ, hay tuồng cổ) có nguồn gốc từ hát bộ cung đình, đó là lối hát tuồng với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, quay lại sân khấu, điệu bộ hấp dẫn, với các vật tượng trưng.

Thùy Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-thich-thu-voi-nghe-thuat-hat-boi-post1672458.tpo