Bâng khuâng tháng Bảy

Tháng Bảy khi những cơn mưa chợt đến vội đi vô cùng đỏng đảnh, lúc ào ào, lúc lại dầm dề tý tách khiến mỗi người đều cảm thấy bâng khuâng và xao xuyến. Sự nhớ thương, tủi hờn của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau kéo dài triền miên khiến cho cỏ cây, đất đá mủi lòng.

Các khu nghĩa trang được lực lượng đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh.

Các khu nghĩa trang được lực lượng đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh.

Tháng Bảy - tháng của sự tri ân và biết ơn những người đã hy sinh cả tuổi xuân và xương máu của mình mang lại độc lập cho Tổ quốc, bình yên cho nhân dân. Trải qua bao cuộc chiến khốc liệt, có người còn sống trở về nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Bởi vậy, vào tháng Bảy hằng năm, nhiều hoạt động tri ân người có công với nước diễn ra khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các khu nghĩa trang được tu sửa, quét dọn sạch sẽ; hàng triệu ngọn nến tri ân được thắp lên trên các phần một liệt sỹ; nhiều chuyến thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình chính sách được tổ chức từ miền núi cao cho đến hải đảo… thể hiện những nghĩa cử cao đẹp, sự kính trọng, biết ơn đối với những người có công với nước. Nhiều năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào ý thức và tâm khảm mỗi người dân Việt Nam; khơi dậy lòng yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, “... những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh với những tổn thất không có gì có thể đo đếm được. Bởi vậy, hằng năm cứ đến tháng Bảy, từ Bắc vào Nam trên khắp dải đất hình chữ S, từ quần thể Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - nơi an nghỉ của 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng; Thành cổ Quảng Trị - bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm; sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - khúc ca bi tráng về khát vọng thống nhất non sông; Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và những địa danh lịch sử khác… nơi đâu cũng tấp nập các đoàn người thăm viếng để tri ân và hoài niệm về một thời hoa lửa đau thương mà kiêu hùng. Những nén nhang thơm thành kính, những tiếc nấc nghẹn ngào của các thân nhân trước những bia mộ. Cảm xúc trong mỗi người trào dâng mãnh liệt, vừa bi ai lại vừa hùng tráng và tự hào. Chiến tranh là sự chia ly, mất mát, là đau thương, là sự đợi chờ trong khắc khoải… là nỗi đau của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha mẹ. Có nhiều nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im....”. Không có sự hy sinh nào có thể so sánh được bằng sự đợi chờ đằng đẵng và nỗi mất mát đau thương trong chiến tranh.

Tháng Bảy, ông tôi với đôi mắt mờ đục lại ngồi trầm tư, đôi tay nhăn nheo run run lần giở từng tấm huy chương, từng trang nhật ký xưa cũ… và tự độc thoại một mình chuyện về những năm tháng thanh xuân xung phong lên đường nhập ngũ, gắn bó với chiến trường, nơi “bom cày, đạn xới”. Chuyện về những trận chiến oai hùng, về những buổi hành quân xuyên rừng, ngủ hầm, cơm vắt; chuyện vinh dự tự hào khi ông được kết nạp Đảng - lớp đảng viên Hồ Chí Minh đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn oai hùng. Chuyện về những cuộc hành quân gian khổ xuyên qua những cánh rừng phủ trắng chất độc da cam để mà giờ đây chất độc ấy đã ngấm vào cơ thể, để mỗi khi trái gió trở trời làn da lại trở nên xù xì thô ráp và đau nhức. Và rồi khóe lệ lại rưng rưng từ đôi mắt già nua khi nhớ về các đồng đội cũ, những người đã không thể trở về đang nằm lại chiến trường năm xưa.

Khi tôi sinh ra, đất nước đã hòa bình, độc lập và nở hoa kết trái; không còn chiến tranh, không còn có sự chia ly, mất mát bởi mưa bom, bão đạn. Được biết đến những chiến công oai hùng, những tượng đài bất tử của dân tộc qua từng trang sách, thước phim tư liệu và qua lời kể của ông mình - một trong những người lính năm xưa. Tự hào là người con quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, mang trong mình lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đối với tôi, cảm xúc về những ngày tháng Bảy luôn lắng đọng và trào dâng về sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông, để trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay, từ đó nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, trở thành thế hệ “Sống đẹp, sống có ích”, cùng góp sức xây dựng quê hương.

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bang-khuang-thang-bay-3170829.html