Bánh chưng Tết cộng đồng

Hình ảnh mỗi người góp gạo, đỗ, thịt, lá dong... để chụm chung nồi bánh chưng là ký ức thân thương, đặc biệt với những người sống thời bao cấp.

Khi ấy, các gia đình trong khu tập thể người khéo tay nhận phần gói bánh, người chuẩn bị củi, người lo chọn lá dong, chẻ lạt...

Đêm xuống, cả tầng quây quần bên bếp lửa hồng, lắng nghe tiếng lửa tí tách, bánh chưng thơm mùi Tết dần lan tỏa. Trẻ con len lén nướng ngô, khoai, chờ đợi những chiếc bánh mụn, nhỏ xíu xiu được vớt ra trước. Những khoảnh khắc ấy không chỉ là niềm vui của tuổi thơ mà còn là ký ức đong đầy sự gắn bó, sẻ chia về tình làng nghĩa xóm.

Ảnh: qdnd.vn

Ảnh: qdnd.vn

Trong nhịp sống hiện đại, nồi bánh chưng đỏ lửa dần trở thành hình ảnh hiếm hoi khi nhiều gia đình chọn mua bánh sẵn để tiết kiệm thời gian. Tiện lợi, nhưng đâu đó, một phần hương vị truyền thống, một phần không khí sum họp cũng dần phai nhạt.
Chính vì thế, những nỗ lực hồi sinh phong tục gói bánh chưng tập thể tại các khu dân cư, từ chung cư hiện đại đến những xóm làng cổ kính, đã trở thành cách giữ lửa Tết đầy ý nghĩa. Con trẻ háo hức học cách gói bánh, rồi thêm hiểu ý nghĩa những chương trình cộng đồng gói-nấu bánh chưng tặng người nghèo.

Những nồi bánh chưng tập thể không chỉ là minh chứng cho tình cảm gắn kết giữa con người mà còn là biểu tượng của sự đùm bọc, sẻ chia, tạo nên nét đẹp trong xã hội hiện đại, là minh chứng rõ nét cho sự trường tồn giá trị văn hóa dân tộc. Nồi bánh chưng không chỉ là sợi dây gắn kết các thế hệ mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.

Bánh chưng-biểu tượng của đất, của tình yêu thương, sum họp-vẫn mãi là hồn cốt của văn hóa Việt. Giữ lửa nồi bánh chưng chính là giữ ngọn lửa văn hóa, để phong vị Tết mãi ấm nơi bản làng cũng như trong từng ngõ nhỏ, phố nhỏ.

HÀ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/banh-chung-tet-cong-dong-813185