Bánh khúc, món quà của tuổi thơ
Bánh khúc có mặt ở mọi miền quê, gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ người Việt. Nhưng bánh khúc ở Cao Bằng mang hương vị riêng biệt, gói gém trong hơi thở của đất trời biên cương, tạo dư vị ngọt ngào trong ký ức thời thơ ấu biết bao người.

Món bánh khúc truyền thống và tinh tế trong bữa tiệc buffet.
Bánh khúc tròn xinh, to bằng nắm tay trẻ con, được gói trong lớp lá chuối xanh mướt. Phía sau lớp lá, bánh hiện lên với màu xanh lục nhạt của lá khúc, lớp vỏ bánh điểm xuyết những hạt gạo nếp trắng ngần xếp hàng bao bọc lấy phần bánh màu xanh phía trong, phần nếp dẻo, hơi dính tay, dậy mùi thơm nồng nàn gạo nếp vùng cao, vị bùi thơm của đậu xanh miền biên viễn.
Bà Thu, người bán bánh lâu năm tại Thành phố cho biết, làm bánh khúc cũng không quá cầu kỳ, nhưng phải tâm huyết mới làm được bánh ngon. Từ khâu nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng với các thành phần chính gồm: Lá khúc, gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Lá khúc có hoa màu vàng, lá mốc sáng, mọc tự nhiên trong vườn, ao cạn và trên những thửa ruộng, lá thường phải hái từ sáng sớm, mang hương thơm đặc trưng. Sau đó được rửa sạch sẽ, cho vào nồi luộc chín, vớt lá để nguội và xay nhuyễn trộn lẫn với bột nếp. Gạo nếp nương, hạt to, tròn, thơm dẻo, đãi sạch và ngâm gạo qua đêm. Đỗ xanh đãi sạch vỏ, ngâm với nước ấm pha một thìa nước muối từ 1 - 2 giờ rồi cho đỗ vào nồi hấp chín, để nguội. Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo nước, sau đó cắt thịt thành từng miếng nhỏ hạt lựu. Ướp thịt với hạt tiêu, hành khô thái nhỏ, nước mắm, hạt nêm khoảng 30 phút. Tiếp theo phi hành, tỏi vàng và cho thịt ba chỉ vào xào chín, đổ ra bát để riêng.
Đỗ xanh sau khi hấp, cho vào cối giã mịn, trộn với thịt và nặn thành từng viên tròn bằng quả trứng gà. Bột gạo nếp và rau khúc đã xay nhuyễn trộn đều đến khi hỗn hợp thành một khối đồng nhất màu xanh lục, thêm nửa thìa muối, nước luộc lá khúc, tiếp tục nhào hỗn hợp bột đến khi mịn, dẻo, ấn nhẹ không còn dính tay thì ủ khoảng 30 phút rồi nặn bột thành những viên tròn đều nhau. Cho viên đỗ xanh đã bọc với thịt vào giữa viên bột vo tròn lại.

Bánh khúc được bán trên những con phố nhỏ.
Gạo nếp sau khi ngâm, đổ ra rổ cho ráo nước và trộn với chút muối cho thêm phần đậm đà. Nồi hấp lót một lớp lá chuối, phết một ít dầu ăn và rải một lớp gạo nếp xuống dưới đáy nồi, xếp những viên bột đã bọc thịt và đỗ xanh lên trên lớp gạo nếp để những viên bột không bị dính nhau. Tiếp đó rải một lớp gạo nếp lên trên bề mặt những viên bột, bắc nồi lên bếp hấp khoảng 35 - 40 phút là chín. Khi bánh khúc chín, lấy ra ăn nóng, rắc một ít ruốc thịt, hành phi, lạc giã nhỏ hoặc trứng rán vàng, xắn nhỏ tùy theo sở thích của từng người.
Bên cạnh những nồi bánh nóng hổi bên những con phố nhỏ cho những thực khách quen thuộc, ngày nay, bánh khúc cũng được trình bày hình thức lạ mắt hơn, tinh tế hơn trong các bữa tiệc buffet hay bữa giữa giờ trong các hội nghị.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/banh-khuc-mon-qua-cua-tuoi-tho-3178439.html