Bắt ong 'định cư'

Ong thường là loài đi tìm mật giữa những cánh hoa rừng. Chúng thường 'di cư tự do' hay buộc người nuôi phải mang đi đánh. Thế nhưng người dân xã Cát Tiên, Cát Tiên 2, tỉnh Lâm Đồng lại bắt những đàn ông phải 'định cư', nhả mật, tỏa hương ngay tại vườn nhà.

Nghề nuôi ong Dú ở xã Cát Tiên 1, Cát Tiên 2, tỉnh Lâm Đồng

Nghề nuôi ong Dú ở xã Cát Tiên 1, Cát Tiên 2, tỉnh Lâm Đồng

Khoảng 10 năm trước, buổi chiều lang thang trong vườn, anh Đỗ Văn Nghĩa (xã Cát Tiên) phát hiện một bầy ong Dú làm tổ ngay cây mít. Tò mò, anh ghé lại thì loài ong nhỏ như con muỗi, bà con Cát Tiên hay gọi là loài ong hiền khô như đất vì chúng chả cắn ai bao giờ. Nuôi, dưỡng… rồi chúng lại đi, lại trở về rừng. Cuối cùng, ong Dú cũng định cư tại khu vườn nhà anh Nghĩa với hơn 3.000 hộp, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Mỗi tổ ong Dú có thể thu được từ 1 đến 2,5 lít mật mỗi năm. Giá bán dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi lít. Từ lâu, mật ong Dú với vị chua nhẹ là sản phẩm đặc trưng của nghề nuôi ong ở Cát Tiên. Gần đây, người dân các tỉnh lân cận đã tìm đến anh Nghĩa không chỉ mua mật mà còn mua giống để nhân nuôi. Mật của loài ong này vàng óng, sánh đặc như keo, mang hương rừng thơm dịu. Nếm thử, vị ngọt thanh xen lẫn chút chua nhẹ. Nó có vị khác hẳn với mật của các loài ong khác và ong nuôi.

Ong Dú là loài ong rất hiền, hiếm có trong tự nhiên, không có ngòi đốt, so với ong mật hay ong ruồi thì cơ thể chỉ bằng một nửa. Mật ong Dú có nhiều tác dụng về dược tính như: thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, cải thiện đường tiêu hóa, giảm đau, sát trùng vết thương; sáp và mật ong Dú có tác dụng làm đẹp, dưỡng da…

Nhà của chị Đoàn Thị Yến (xã Cát Tiên 2) đúng kiểu là một ngôi “nhà vườn” vì xung quanh được bao bọc bởi 2 ha vườn chôm chôm. Đến nay, gia đình chị nuôi 450 hộp. Tiền bán mật ong Dú đã gần 250 triệu đồng, tiền tách đàn ong để bán cho người nuôi khác là gần 50 triệu đồng. Chị Yến không giấu nghề: “Ong Dú nuôi cực kỳ khỏe, không cần phải mang đi đánh mật, không cần phải cho ăn cho uống gì cả, nói chung là “trời sinh, trời dưỡng”, mình chỉ cần làm hộp gỗ nhỏ bắt chúng “định cư” với mình là có mật, là có tiền. Ong Dú rất hiền, không đốt người, việc tách đàn cũng dễ dàng, chỉ cần khi thu hoạch mình chia đôi đàn ong ra là thành hai tổ”.

Ông Trần Văn Thức - Tổ trưởng Tổ nuôi ong Dú ở Cát Tiên cho biết, hiện nay, cả 9 thành viên trong tổ đều thành công và có thu nhập cao từ mô hình này. Loài ong này rất dễ nuôi, mật chất lượng, được thị trường khá ưa chuộng. Cùng với đó, việc tách đàn để bán giống đang được tiến hành trong nhiều năm nay.

Ông Thức cũng cho biết thêm, ong Dú là loài rất mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật, chính vì vậy thời gian qua đã có một số tổ viên phải di chuyển đàn ong ra khỏi các khu vực sản xuất nông nhiệp, đưa về sống với tự nhiên để cho chất lượng mật đảm bảo. Năm nay, mưa nhiều cũng làm ảnh hưởng đến chất và lượng mật ong Dú. Mặt khác, để quảng bá cho sản phẩm mật ong Dú, một số hộ dân đã đầu tư hẳn flycam để thực hiện hành trình theo cánh ong bay. Từ đó sản xuất ra những video về quá trình ong Dú theo hoa, hút mật. Chính quyền địa phương cũng đã công nhận mật ong Dú Cát Tiên là sản phẩm OCOP nhiều năm trước.

Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, địa bàn các xã Cát Tiên, Cát Tiên 2 có khoảng 30 hộ dân nuôi ong Dú. Đây là cơ hội để loài ong này sinh sôi nảy nở, mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.

ĐỨC TÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/bat-ong-dinh-cu-381420.html