Xứng danh người lính thành cổ

Hiện nay, cả nước ta đang tập trung thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cùng đó trong tháng 7 này cũng là dịp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn dành sự tri ân đặc biệt tới các gia đình chính sách, các thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Họ đã chấp nhận sự hy sinh mất mát để cho mọi gia đình được hạnh phúc ấm no, đất nước yên bình như ngày hôm nay.

Ông Hồ Công Khởi

Ông Hồ Công Khởi

Tôi tìm đến gia đình ông Hồ Công Khởi- một người lính năm xưa đã từng có những năm tháng chiến đấu oanh liệt tại địa danh lửa thiêng Thành cổ Quảng Trị, với 81 ngày đêm kiên cường anh dũng chống Mỹ- Ngụy giữa bom rơi, đạn réo, pháo sáng rực trời. Tôi gặp ông Hồ Công Khởi tại tư gia ( khối Cửa Bắc, phường Lương Văn Tri) và được nghe kể về những năm tháng chiến đấu ngoan cường của ông và đồng đội.

Ông Hồ Công Khởi sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp ba Việt Bắc, ông thi đỗ vào trường Đại học. Học được 2 năm, ông xung phong đi bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào tháng 1 năm 1971. Những ngày đầu trong quân ngũ, ông được huấn luyện tại trung đoàn 568 bộ binh tại Lục Nam- Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh). Sau đó, đơn vị của ông được lệnh hành quân vào chiến trường B, đóng quân tại cao điểm 33 thuộc tỉnh Quảng Trị. Tháng 8 năm 1972, đơn vị của ông được điều động vào giữ chốt, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nhằm chặn đứng các đợt tiến công giữ dội của giặc Mỹ.

Để vào được Thành cổ là cả một chặng đường gian nan, hiểm nguy. Chỉ khoảng hơn nửa cây số từ cao điểm 33 đến Thành cổ, ông và đồng đội đã phải băng qua những bức tường đổ nát, khét lẹt mùi thuốc súng, bí mật vượt sông Thạch Hãn bằng những chiếc phao tự tạo để đến nơi tập kết. Tại Thành cổ, ông cùng đồng đội sửa sang lại công sự trong những bức tường đổ nát, ngổn ngang gạch đá do luôn bị bom đạn địch cày sới suốt ngày đêm. Ông Khởi kể rằng: với diện tích Thành cổ chưa đầy 300.000 m2 của một thị xã Quảng Trị nhỏ bé khi ấy, mà địch đã trút xuống đây hàng chục ngàn quả đạn pháo, hàng ngàn tấn bom trong một ngày. Thế mà đơn vị chiến đấu của ông cùng nhiều đơn vị khác vẫn kiên cường bám trụ, đánh bật nhiều đợt tiến công của địch với sự tương quan lực lượng một chọi một trăm. Qua 81 ngày đêm chiến đấu nơi Thành cổ, có hơn 4.000 anh hùng liệt sỹ đã nằm lại chiến trường. Bản thân ông Hồ Công Khởi cũng bị thương do các mảnh pháo khoan găm đầy người làm ông ngất lịm, ông được đồng đội sơ cứu vết thương và đưa về tuyến sau. Trong khi đó, đơn vị của ông vẫn kiên cường chống trả quân địch hết đợt này đến đợt khác... Kể đến đây, tôi thấy ông xúc động nghẹn ngào, rơm rớm nước mắt khi nhớ tới đồng đội-nhiều người đã không thể trở về.

Năm 1973, do bị thương nặng không thể tiếp tục chiến đấu, ông được đưa về viện A- 109 đóng tại Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ) điều trị. Sau khi giám định thương tật, ông Khởi là thương binh hạng nặng 1/4 và được đưa về trại an dưỡng Chí Linh 2. Năm 1976, ông được ra quân và trở về Lạng Sơn sinh sống cùng gia đình. Ghi nhận những cống hiến của ông trong thời gian quân ngũ, đặc biệt là người lính trở về từ “chảo lửa” Thành cổ Quang Trị, ông Khởi được Đảng, Nhà nước tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I, hạng II; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III và nhiều phần thưởng cao quý khác. Gần đây, ông vinh dự được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn lựa chọn là một trong các cựu chiến binh tiêu biểu thăm lại chiến trường xưa, trong đó có địa danh Thành cổ Quảng Trị.

Giờ đây, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, người cựu chiến binh, thương binh Hồ Công Khởi vẫn luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ nguyên tác phong của “bộ đội Cụ Hồ”. Ông Khởi xung phong tham gia các hoạt động của phường, khối phố và có những đóng góp tích cực trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, lập quỹ nhân đạo, từ thiện... Ông Hồ Công Khởi xứng danh là cựu chiến binh, một thương binh “tàn nhưng không phế”.

Lê Quang Bình

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-tro-ve-tu-dat-thieng-thanh-co-5052134.html