Báo cáo 'nóng' trước thềm thượng đỉnh APEC 2023
Tuần này, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Mỹ, lần đầu tiên kể từ năm 2011, giữa bối cảnh các nền kinh tế của nhóm được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại trong năm tới.
Diễn đàn APEC 2023 tại San Francisco, từ ngày 15-17/11, dự kiến sẽ thảo luận về cách thúc đẩy tăng trưởng thương mại và kinh tế trên khắp Thái Bình Dương. Sự kiện cũng bao gồm một Hội nghị thượng đỉnh CEO, quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ từ khắp nơi trên thế giới.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11 dự kiến sẽ là tâm điểm của hội nghị lần này. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về thương mại, giữa bối cảnh căng thẳng kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cao.
Mỹ hôm 13/11 cho biết họ đang nỗ lực đạt được một tuyên bố chung của 21 nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2023. Matt Murray, quan chức cấp cao của Mỹ tại APEC cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đang nỗ lực hướng tới một tuyên bố đồng thuận mạnh mẽ của APEC để các nhà lãnh đạo có thể công bố vào cuối tuần này”.
Thừa nhận rằng đã có “rất nhiều mâu thuẫn trong vài năm qua về các tuyên bố, chủ yếu là do xung đột Nga - Ukraine”, ông Murray nói thêm: “Năm ngoái, Thái Lan đăng cai tổ chức APEC và đã đạt một tuyên bố chung. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm được điều tương tự trong năm nay”.
APEC chiếm khoảng 62% GDP và gần một nửa thương mại toàn cầu. Theo báo cáo Phân tích Xu hướng Khu vực APEC mới nhất, các quốc gia thành viên sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại trong năm tới - dưới mức trung bình toàn cầu.
Báo cáo cho biết, GDP của tổ chức APEC gồm 21 thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, được dự đoán sẽ chậm lại ở mức trung bình 2,8% trong năm tới, từ mức 3,3% dự báo cho năm nay, mặc dù tốc độ này đã được cải thiện so với năm ngoái. Tăng trưởng GDP trung bình đạt 2,6% trong năm ngoái. Tăng trưởng GDP ở các nước APEC dự kiến sẽ đạt trung bình 2,9% từ năm 2025-26.
Cũng theo báo cáo, loạt vấn đề, bao gồm tàn dư của đại dịch Covid-19, lạm phát, nợ công tăng cao, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và sự phân mảnh kinh tế, đang ảnh hưởng đến triển vọng của các nước APEC.
Lạm phát ở các nước APEC giảm xuống 3,4% vào tháng 9/2023, so với mức 6,6% một năm trước đó. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về sự gia tăng lạm phát trong những tháng gần đây. Rhea C Hernando, nhà phân tích của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách và cũng là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng, nhiều nền kinh tế APEC đã thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất”.
Báo cáo cho biết áp lực lạm phát và chi phí tài chính thương mại cao hơn cộng với những bất ổn toàn cầu đã khiến thương mại trong khu vực trì trệ. Sự phục hồi của du lịch và tiêu dùng nội địa đã thúc đẩy hoạt động kinh tế ở các nước APEC, nhưng tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các nước.
Các chuyến bay quốc tế của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với nhu cầu nhiên liệu máy bay có thể vẫn ở mức dưới mức trước đại dịch năm 2019. Tuy nhiên, các hãng hàng không Trung Quốc dự kiến sẽ khai thác 35 chuyến bay khứ hồi hàng tuần đến và đi từ Trung Quốc cũng như Mỹ từ ngày 9/11, tăng từ 24 chuyến vào cuối tháng 10.
Carlos Kuriyama, Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Chính sách của APEC, cho biết: “Có những dấu hiệu đầy hứa hẹn ở APEC, nhưng nhóm cũng đang đối mặt với những rủi ro suy thoái…Tăng trưởng kinh tế trong khu vực vẫn không đồng đều mặc dù chúng tôi kỳ vọng có thể có một tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định hơn trong những năm tới”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-cao-nong-truoc-them-thuong-dinh-apec-2023.html