Báo chí trước sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI): Thách thức hay cơ hội?
Không chỉ trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm của nó đang và sẽ làm thay đổi cục diện thế giới, thay đổi thói quen của rất nhiều ngành nghề, trong đó có cả báo chí. Thách thức đặt ra cho người làm báo là không nhỏ khi có thể 'thua' một gã 'biết tuốt' như ChatGPT, nhưng đây cũng là cơ hội, vì sao?
ChatGPT - thách thức không nhỏ đối với báo chí
Có thể nói, sự ra đời của ChatGPT đặt ra thách thức không nhỏ đối với tất cả những người làm nội dung, trong đó có các nhà báo. Khi viết một bài viết thay vì phải "vắt óc" suy nghĩ, tư duy sáng tạo, tìm hiểu, nghiên cứu... rất nhiều tài liệu, thì nay, phóng viên/nhà báo tác nghiệp có thể gõ vào ChatGPT yêu cầu "gã robot công nghệ" này viết bất cứ đề tài gì, rất có thể, ChatGPT sẽ cho ra một sản phẩm rất đầy đủ câu chữ, ý tứ, chặt chẽ cấu trúc, hoàn chỉnh dễ dàng, quả là một thách thức!
Nếu nhìn vào góc độ tích cực của các sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ cho đội ngũ nhà báo tác nghiệp được thuận lợi và dễ dàng hơn trước, khi thao tác những phần thủ công, lặp đi lặp lại, tốn nhiều công sức. Tuy nhiên, ở góc độ sáng tạo, chúng ta sẽ thấy "cửa sáng" của sức người, của trí tuệ thật chứ robot không thể thắng thế, vì dù sao, sản phẩm của robot chỉ là bản sao ở đâu đó.
Tại Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn" diễn ra ngày 18/3 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 vừa qua, Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình về việc ứng dụng AI mà đặc biệt là ChatGPT hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức với các nhà báo và cơ quan quản lý báo chí.
Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề bản quyền nội dung, sở hữu trí tuệ khi sử dụng AI trong quá trình tác nghiệp. Việc tham khảo AI có thể phù hợp và thuận tiện, tuy nhiên, nếu việc xuất bản nội dung "bê nguyên" từ AI sẽ gây ra nhiều quan ngại: Ai có thể sở hữu các bài viết từ nguồn chung lấy từ ChatGPT? Trong khi đó, AI được tổng hợp nhiều nguồn nội dung khác nhau trên toàn cầu. Nếu AI không đưa ra những quan điểm đúng đắn, mà chệch theo hướng tin độc, tin sai lệch và nếu báo chí sử dụng những thông tin đó xuất bản thì ai sẽ chịu trách nhiệm?...
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng: "Không những thế, AI đang đe dọa nguồn thu của báo chí. Đây là vấn đề sống còn của báo chí". Xác định việc đồng hành cùng công nghệ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên những đặc thù của nghề báo không giống với các ngành nghề khác trong xã hội.
Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế nhà báo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định báo chí đang lãng phí sức và lực trong tác nghiệp hằng ngày với những công việc giống nhau, lặp lại. Phần việc đó Trí tuệ nhân tạo có thể đảm nhiệm thay nhà báo.
"Ví dụ, tại hội thảo hôm nay, cùng một hình ảnh, một sự kiện, chúng ta phải sử dụng một ekip để quay, chụp, ghi chép lại. Sau đó các cơ quan báo chí phải đẩy tin tức lên, lan tỏa tới công chúng, lại cần một ekip nữa. Các sản phẩm không có nhiều khác biệt và hầu như tương đồng nhau về giá trị.
Dần dần, báo chí phải loại bỏ những hình thức lao động cơ bản mà máy có thể đảm nhiệm được. Chúng ta phải ứng dụng được công nghệ, giảm đi những công đoạn giản đơn,
Lợi ích lớn nhất của công nghệ là cung cấp cho con người những lựa chọn. Và con người cần có nền kiến thức cùng hệ giá trị vững vàng để đưa ra quyết định tốt nhất", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Trí tuệ nhân tạo giúp nhà báo tìm kiếm ý tưởng
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy - Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI (từng là học giả nghiên cứu báo chí Đại học Oxford) cho biết: "Khi chuẩn bị phần thuyết trình này, tôi đã hỏi ChatGPT và yêu cầu ứng dụng này ghi rõ nguồn thông tin. Kết quả trả lại cũng có nhiều nguồn báo uy tín, nhưng khi nhấp vào thì không được.
Do đó, người dùng cần cẩn thận với thông tin mà ChatGPT cung cấp, bởi đó có thể là fake news (tin giả)".
Theo Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, trong xu hướng báo chí đa phương tiện hiện nay, trí tuệ nhân tạo có thể giúp phóng viên giảm tải nhiều công việc có tính chất lặp lại, để tập trung vào những nội dung sâu hơn.
Tại một số quốc gia, báo chí sử dụng trí tuệ nhân tạo vào nội dung có tính chuyên môn hóa. Trong đó, kinh tế, tài chính và thể thao là những nội dung được ứng dụng nhiều nhất.
"Trí tuệ nhân tạo có thể gợi ý đặt tít, viết bài theo cấu trúc hình tháp ngược rất tốt. Nhưng viết theo cấu trúc hình kim cương, hình đồng hồ cát, hay dạng tường thuật, phóng sự thì không thể", Thạc sĩ Trần Lệ Thùy thông tin.
Trí tuệ nhân tạo tạo ra một sản phẩm báo chí như thế nào?
Tại hội thảo, nhà báo Ngô Trường Thịnh, thành viên nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ lại những trải nghiệm của bản thân và cộng sự khi sử dụng ChatGPT để tạo nên phóng sự.
Trong một số của chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek, phát sóng 8 giờ chủ nhật hàng tuần trên HTV9 - một chương trình chuyên về công nghệ, đội ngũ thực hiện quyết định thử để cho trí thông minh nhân tạo - ứng dụng ChatGPT viết thử một kịch bản về chủ đề "Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam".
Kết quả khiến ekip bất ngờ khi ChatGPT có thể đề xuất được 4 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, trí thông minh nhân tạo còn đề xuất được những chuyên gia phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự.
Sau khi có được bài viết từ trí thông minh nhân tạo, ekip tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà ChatGPT đã viết.
Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự mà trí thông minh nhân tạo viết thực sự dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản, qua được kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh nhận định văn bản mà ChatGPT tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên 1 đến 2 năm tuổi nghề.
Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để cung cấp thông tin cho khán giả. Thời gian để có được một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút so với gần 1 tiếng nếu một biên tập viên bình thường có thể làm.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, đội ngũ thực hiện cũng nhận ra những hạn chế của trí tuệ nhân tạo AI: Từ ngữ được sử dụng chưa hợp với góc nhìn phóng sự, việc dùng danh từ còn cứng do máy tự tổng hợp đề xuất.
Ekip phải hỏi AI đến 8 câu hỏi để huấn luyện cho AI hiểu được ý tưởng. Đây đều là những câu hỏi mang tính nghiệp vụ. Sản phẩm mà AI tạo ra chưa có yếu tố điểm nhấn, chưa có yếu tố con người, yếu tố nghệ thuật, việc xác nhận thông tin khó khăn vì ChatGPT không dẫn nguồn tin.
"Chúng tôi đã phải biên tập mất rất nhiều công sức, phải kiểm tra nguồn tin, thêm nhạc, hiệu ứng, giọng đọc của MC để tạo hấp dẫn cho sản phẩm", nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, nhà báo Ngô Trần Thịnh cho rằng trí tuệ nhân tạo là công cụ hữu ích đồng hành cùng người làm báo trong quá trình tạo ra tác phẩm. Chúng có thể cung cấp góc nhìn đa chiều, gợi ý đề tài, mở ra kho dữ liệu cho báo chí, là công cụ khai phá thông tin.
Tuy nhiên, để có tác phẩm sáng tạo hay, phải là yếu tố con người, trí tuệ con người.
Một số đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra các nhận định khác bày tỏ quan điểm không nên "sợ hãi" trí tuệ nhân tạo, bởi trong nó vẫn có chữ "nhân".
Có con người mới có AI. Nếu con người không đi tìm hiểu, khai thác sự kiện rồi đưa lên tài nguyên trên mạng internet, trí tuệ nhân tạo không thể "bắt chước" để tạo ra thông tin cung cấp ngược lại cho con người được. Tránh việc không hiểu trí tuệ nhân tạo là gì và e ngại nó.
AI chỉ là công cụ buộc người dùng phải hiểu rất kỹ, rất rõ về về cơ chế, nguyên tắc và ứng dụng. Có những việc, AI có thể thực hiện giúp trí tuệ con người, và chúng ta phải chấp nhận để công việc đó cho AI, không nên cố gắng giữ lại. Nếu tiếp tục giữ lại thì mới là nguy cơ tụt hậu so với thời đại.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng ý rằng, trước sự thúc đẩy của trí tuệ nhân tạo, "Trách nhiệm" là giá trị cốt lõi mà báo chí cách mạng Việt Nam cần phải đề cao hơn.
Tận dụng công nghệ để tạo ra sức mạnh độc quyền
Trước nguy cơ phát triển rất nhanh, mạnh của trí tuệ nhân tạo, các nhà báo cũng phải tự trang bị cho mình một kinh nghiệm làm việc với mỗi giây có hàng triệu đáp án thông tin khác nhau, nhiều chiều, nhiều luận điểm... Nếu nhà báo không có quan điểm và lập trường mạnh, không có kiến thức và trí tuệ sáng tạo độc đáo thì chắc chắn sẽ không theo kịp trí tuệ nhân tạo, cũng như rất có thể sẽ bị bỏ lại phía sau tốc độ chóng mặt ấy.
Tuy nhiên, thực tế, nền báo chí cách mạng Việt Nam với rất nhiều cơ quan báo chí đều có những cách tác nghiệm dày dặn, kinh nghiệm. Mặc dù, các tòa soạn đều đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong quá trình thay đổi, phát triển, tự chủ về kinh tế và đều mong muốn có thể tiếp cận nhiều hơn tới công chúng. Giữa cơn bão công nghệ và mạng xã hội đang tràn lấn, thì việc sản xuất nội dung độc quyền, có sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ sẽ vẫn luôn là thế mạnh của các cơ quan báo chí chính thống khi sản xuất nội dung.
Sự cạnh tranh gắt gao về mặt thông tin, tốc độ đưa tin và sự tận dụng nền tảng số, môi trường số phân phối thông tin cũng như tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới lại trở thành những cơ hội để đội ngũ làm báo tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, tự phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ của mình có thể bắt kịp nhiều ngành nghề khác trong xã hội.
Tóm lại, bản thân công nghệ cũng sẽ có những sai sót nếu không có đầy đủ căn cứ, dữ liệu và thông tin chính xác từ sản phẩm trí tuệ con người. Các đáp án của ChatGPT cũng có thể sai, hoặc đúng cũng chưa ai kiểm chứng. Vấn đề là, chúng ta cần có những kiến thức, kinh nghiệm và "bí kíp" để có thể tận dụng nó trở nên sức mạnh trong sáng tạo nội dung, hoàn thiện tính chính xác của thông tin, phát triển thêm các ý tưởng, sáng tạo, đổi mới... từ những kết quả nghiên cứu của robot/công nghệ mọi thời đại.
Theo Báo Nhân Dân, hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data... vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại như E-magazine, Interactive, Infographic, Story scroll...
Việc ứng dụng AI cũng đang được bước đầu ứng dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn: Podcast, Text to Speech, Text to Video... Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả cũng là một ứng dụng AI mà một số tòa soạn lớn cũng đã bước đầu triển khai áp dụng, cũng như một số báo đã triển khai mô hình Premium - thu phí độc giả trên một nhóm nội dung chất lượng cao.
Sự dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang báo chí thích ứng, sáng tạo diễn ra do sự thúc đẩy của công nghệ số, đặc biệt là AI và Chat GPT. Mặc dù các công nghệ này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI cho rằng, các tòa soạn có thể hưởng lợi từ việc áp dụng Chat GPT và các công cụ tương tự vào quy trình sản xuất tin tức hiện đại.