Báo Công Thương luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về sự đồng hành của báo chí với doanh nghiệp.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về sự đồng hành của báo chí với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong bối cảnh hiện nay?

Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ hai chiều bền chặt, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, báo chí được xem là người tiên phong, cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tế trong suốt thời gian qua, báo chí đã khẳng định được tầm quan trọng và có vai trò to lớn trong tất cả các hoạt động của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, tôi và cộng đồng doanh nghiệp rất trân quý và cảm ơn nhiều cơ quan báo chí, nhất là Báo Công Thương đã luôn nhiệt huyết và đầy trách nhiệm khi đứng lên bảo vệ doanh nghiệp, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân chúng tôi.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Thậm chí, thông qua phản ánh, báo chí còn góp phần thay đổi chính sách và xu hướng thị trường, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững.

Thông qua báo chí, những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nỗi niềm của doanh nghiệp nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan quản lý và nhờ vậy cũng phần nào được giải quyết nhanh hơn. Điều này thấy rõ qua những điều chỉnh kịp thời từ cơ quan nhà nước về lãi suất, thủ tục hành chính… Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cầu nối này càng trở nên cần thiết và hữu hiệu hơn bao giờ hết.

Bức tranh chung của báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành, cảm thông, chia sẻ giữa những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông và những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì báo chí vui, báo chí có trách nhiệm thì doanh nghiệp cũng có thêm niềm tin, động lực để phát triển.

Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ hai chiều bền chặt, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, báo chí được xem là người tiên phong, cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với Báo Công Thương nói riêng, bà nhận định thế nào về vai trò và nội dung mà báo đang thực hiện?

Qua theo dõi, Báo Công Thương đã được biết tới nhiều hơn, chúng tôi đánh giá cao vai trò của Báo trong công cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành công thương phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Bộ Công Thương và ngành Công Thương. Báo đã bám sát hơn, cố gắng đồng hành giải quyết các vấn đề nóng như vấn đề xăng dầu, điện, thị trường, các mặt hàng thiết yếu… và đã cung cấp đến độc giả góc nhìn khách quan, đa chiều về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ cũng như các vấn đề kinh tế chung.

Đặc biệt, từ lợi thế của cơ quan ngôn luận của một Bộ quản lý kinh tế quan trọng của đất nước, Báo Công Thương đã phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các chính sách, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Theo trong thời gian tới, báo chí nói chung, Báo Công Thương nói riêng cần cải thiện gì để song hành cùng doanh nghiệp?

Thời gian tới, chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và qua đó luôn hiến kế, chia sẻ những khó khăn cùng doanh nghiệp. Đồng thời, phản biện những chính sách của Nhà nước tác động đến doanh nghiệp để thông qua báo chí kịp thời đến được với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng để từ đó đưa ra các cải cách, chấn chỉnh các vấn đề còn cản trở phát triển kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn báo chí nói chung và Báo Công Thương nói riêng cần tiếp tục tuyên truyền hiệu quả hơn Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu làm tốt việc này, thị trường với quy mô 100 triệu dân của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng giúp cho các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường lớn trên thế giới còn đang gặp khó khăn.

Cùng với đó, Báo Công Thương cần không ngừng đổi mới, tiếp tục đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần truyền tải, cung cấp thông tin sâu rộng hơn về cơ hội kinh doanh từ các Hiệp định thương mại tự do… để doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hành trang, không bỏ lỡ cơ hội trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.

Ngoài ra, Báo cần đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên ngành về kinh tế, phân tích thị trường đầu tư cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên... để công tác tuyên truyền về các lĩnh vực này ngày càng có chiều sâu, hiệu quả hơn và bắt kịp với phát triển kinh tế thế giới.

Cuối cùng, với vai trò là người đứng đầu Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi mong muốn Báo Công Thương quan tâm nhiều hơn đến ngành lương thực, thực phẩm qua việc tăng cường các chuyên mục, chuyên đề, bài viết, thông tin thời sự, đặc biệt là các thông tin chia sẻ về các sáng kiến, cách làm hay hướng đến chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm.

Minh Khuê (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-cong-thuong-luon-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep-327077.html