Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ. Quy định này nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước

Bày tỏ đồng tình với quy định, trường hợp lực lượng cảnh vệ không đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật mang theo thì việc thuê là cần thiết, các ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội), Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên)... nêu thực tế, khi triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại địa bàn nước ngoài, đối với những quốc gia không cùng thể chế chính trị hoặc do pháp luật của nước sở tại quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ chưa có sự tương đồng với pháp luật Việt Nam, cụ thể như chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội không áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ như nguyên thủ quốc gia.

ĐBQH Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Vũ Hồng Luyến nêu rõ, việc quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, quyền con người, quyền công dân khi áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với mỗi quốc gia là khác nhau hoặc đối với các chương trình làm việc do phía ta chủ động đề xuất hoặc nằm ngoài chương trình công tác, theo quy định của nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ phải thuê lực lượng, phương tiện để bảo đảm an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ. Do vậy, việc quyết định thuê thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với công tác an ninh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện công tác cảnh vệ.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Hồng Luyến cũng đề nghị, các quy định về thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Làm rõ hơn nguồn kinh phí thuê lực lượng, phương tiện

Theo dự thảo Luật, “trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn lực và phương tiện mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, thì quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài”. Nhất trí với quy định này, tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn nguồn kinh phí thuê lực lượng, phương tiện là từ nguồn nào, nếu là ngân sách nhà nước thì có cần cơ chế đặc biệt để thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán trong trường hợp nếu có yêu cầu thuê thiết bị, lực lượng đặt ra trong tình thế cấp bách, bị động, nhằm bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời của công tác cảnh vệ hay không? Việc này có liên quan đến rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhấn mạnh, khi thuê lực lượng, phương tiện sẽ tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro từ chính những phương tiện, lực lượng chúng ta thuê để thực hiện các nhiệm vụ cảnh vệ, đặc biệt theo dự thảo luật, quy định này còn xảy ra khi đi công tác nước ngoài, thì nguy cơ tiềm ẩn càng cao hơn. Vì vậy, cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong trường hợp này.

Giải trình trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ khẳng định, ngay trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được Chính phủ đánh giá, chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp với cơ quan có chức năng, nghiên cứu khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến quốc tế, đánh giá tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng, tạo tiền đề cho việc xây dựng nội dung về quy định trong dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra đối với dự thảo Luật. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra đối với dự thảo Luật. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, sẽ nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu, khẩn trương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo sớm về việc hoàn chỉnh dự thảo luật, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng và khả thi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận đều có căn cứ chính trị, pháp lý rất rõ ràng, làm sâu sắc và toàn diện các nội dung của dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục phối hợp, làm rõ các nội dung như: về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật, bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ của lực lượng cảnh vệ ngoài lãnh thổ Việt Nam; đối tượng cảnh vệ cần rà soát kỹ đối tượng là khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam để thể hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; quy định rõ việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ một cách chặt chẽ, không để bị lạm dụng. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật với Luật Ngân sách Nhà nước và các luật có liên quan.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-an-toan-tuyet-doi-cho-doi-tuong-canh-ve-i373851/