Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp thực tiễn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn; đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ song vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn

Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra (Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, làm việc với một số cơ quan, đơn vị để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

 Các quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm vừa chặt chẽ vừa tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: TTBTDTCĐH

Các quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm vừa chặt chẽ vừa tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: TTBTDTCĐH

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với bản trình tại Kỳ họp thứ Bảy. Trong đó, bỏ 3 điều (Điều 68 về tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng; Điều 98 về hoạt động kiểm tra về di sản văn hóa; Điều 99 về khen thưởng và xử lý vi phạm); bổ sung 3 điều (Điều 26 về hoạt động phát huy giá trị di tích; Điều 40 về phân loại và xác định di vật, cổ vật; Điều 66 về sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể bảo tàng công lập).

Dự thảo Luật cũng tách quy định về Ngày Di sản văn hóa thành 1 điều riêng; gộp Điều 42 về chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào Điều 45 về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; gộp 3 điều về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thành 1 điều; và chỉnh lý kỹ thuật các điều còn lại.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng, “dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Xác lập di sản văn hóa theo loại hình sở hữu

Dự thảo Luật quy định cụ thể việc xác lập quyền sở hữu di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng), phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đối với việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Điều 45 dự thảo Luật được nghiên cứu chỉnh lý bảo đảm phù hợp và chặt chẽ hơn. Theo đó, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho.

Bảo tàng có con dấu và tài khoản

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định việc cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập theo hướng đơn giản hóa thủ tục (giảm từ 2 thủ tục hành chính xuống còn 1 thủ tục hành chính) và tăng cường phân cấp thẩm quyền trực tiếp cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh (quy định của Luật hiện hành là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Các điều kiện đơn giản hóa về thủ tục hành chính sẽ khuyến khích thành lập các bảo tàng ngoài công lập. Đặc biệt, khoản 3, Điều 64, dự thảo Luật quy định: “Bảo tàng có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật” nhằm tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập hoạt động bình đẳng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế trong nước. Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi trong việc xác định quyền sở hữu, đăng ký quyền sở hữu trong thực tiễn, xác định rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan và giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có) trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chính sách của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm

Các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được rà soát, chỉnh lý theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa. Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7), như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người…

Đáng chú ý, dự thảo Luật dành riêng 1 điều (Điều 19) quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt đối với tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số và tiếng nói, chữ viết có nguy cơ mai một. Trong 7 biện pháp được đưa ra có: nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ và truyền dạy các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống bằng tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc; sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian; dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân công tác ở vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc, cho học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Giáo dục…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90).

Theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, chiều nay, 23.10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-chat-che-phu-hop-thuc-tien-post394035.html