Bảo đảm cung - cầu, kiềm chế lạm phát

Từ quý IV-2022, quan hệ cung - cầu hàng hóa trên thị trường bước vào thời điểm nhạy cảm hơn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là sự ổn định giá tiêu dùng, từ đó bảo đảm an sinh xã hội - mục tiêu quan trọng về ổn định vĩ mô. Việc theo dõi, nhận định và giải quyết các vấn đề liên quan cần được quan tâm thỏa đáng nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa gắn liền với mục tiêu kiềm chế lạm phát trong mức đã đề ra.

Người dân lựa chọn các sản phẩm nông sản tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Người dân lựa chọn các sản phẩm nông sản tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Thị trường sôi động trở lại

Hiện tại, nhịp độ giao thương, mua bán hàng hóa trên thị trường đang gia tăng, do sức mua của xã hội đã trở lại sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề, thuyên giảm do dịch Covid-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10-2022 đạt 486,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, các loại hàng hóa trên thị trường đều dồi dào, nguồn cung ổn định và không có “cú sốc” nào về giá, trong khi sức mua được cải thiện khá rõ.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong ngưỡng an toàn, không xuất hiện diễn biến bất thường. CPI tháng 10-2022 tăng 0,15% so với tháng 9-2022 và bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là thực tế lành mạnh, thể hiện sự bình ổn trên thị trường suốt từ đầu năm đến nay. Như vậy, có thể thấy vẫn còn khá nhiều dư địa cho việc kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% cho cả năm 2022. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, kết quả CPI cho phép đánh giá việc xác định mục tiêu kiểm soát lạm phát là đúng đắn và thực tế đã thể hiện sự thành công trong điều hành giá, thị trường; tạo điều kiện để ổn định giá trên diện rộng và kiềm giữ đà tăng giá cuối năm 2022 cũng như dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, dù thị trường nói chung đang sôi động trở lại, quan hệ cung - cầu thông suốt nhưng vẫn cần lưu ý, chủ động xử lý một số hạn chế, tồn tại liên quan đến chất lượng hàng hóa, cũng như nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cũng là lúc nạn hàng giả, hàng lậu hoạt động mạnh. Cùng với đó, khâu cung ứng hàng hóa còn nhiều tầng nấc trung gian, có thể ảnh hưởng đến quan hệ cung - cầu thị trường, đòi hỏi các cấp, ngành phải nắm sát tình hình, có phản ứng kịp thời. Đặc biệt, cung - cầu xăng, dầu - mặt hàng chiến lược đầu vào của nhiều ngành sản xuất, lưu thông hàng hóa gần đây xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ. Sau các tỉnh, thành phố ở phía Nam, tình trạng này đã lan ra Hà Nội và một số địa phương ở miền Bắc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống dân sinh. Trong khi đó, cơ quan quản lý gặp không ít lúng túng trong xử lý vấn đề trên.

Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng, dầu trên đường Láng (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng, dầu trên đường Láng (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Mục tiêu quan trọng

Dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết năm 2022 nhưng việc kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu quan trọng và không thể lơ là; ngược lại cần theo sát tình hình, điều hành hợp lý để gặt hái một năm thành công trong hoạt động điều hành thị trường, giá cả. Riêng đối với mặt hàng xăng, dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phân tích đầy đủ, chính xác các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu cục bộ, tìm biện pháp khắc phục thông qua việc tăng khối lượng và quy mô dự trữ nhiên liệu; chủ động tăng công suất của các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tăng khả năng tự chủ; minh bạch hóa và tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá bán. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về quản lý xăng, dầu và làm rõ trách nhiệm điều hành cung ứng xăng, dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.

Về thị trường hàng hóa nói chung, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm để xử lý triệt để. Trong đó, chú trọng tiền kiểm thay cho hậu kiểm (mặc dù xu hướng quản lý nói chung là thiên về hậu kiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tiêu dùng), nhất là đối với các loại thực phẩm bởi có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. “Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết tâm “làm sạch” thị trường, tránh sốt giá giả tạo để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.

Từ góc độ địa phương, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và đề nghị các doanh nghiệp phân phối sẵn sàng triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá dịp cuối năm. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch chống hàng giả, hàng lậu, trong đó chú trọng kiểm tra chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến giao thông đầu mối, trọng điểm.

Hiện tại, sức mua tăng từ 10% đến 15% so với mức trung bình và là thực tế hợp lý. Dự báo nhu cầu và giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không có biến động lớn. Theo chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), năm nay sẽ đánh dấu sự thành công trong ổn định đời sống dân sinh và kiểm soát lạm phát. Nếu không có diễn biến đột ngột, chắc chắn lạm phát sẽ được khống chế dưới 4%.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành từ nay đến cuối năm, tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1047468/bao-dam-cung---cau-kiem-che-lam-phat