Bảo đảm giá trị văn hóa, đạo đức, tuân thủ pháp lý trên mạng xã hội

Tại Hội thảo 'Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay' diễn ra sáng 31/5, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới, trong đó chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Hội thảo đưa ra đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội. (Ảnh: PV).

Hội thảo đưa ra đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội. (Ảnh: PV).

Hội thảo do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng tổ chức dưới sự chủ trì của GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phải kiểm soát thông tin đăng tải và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi cho biết, thời gian qua, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin - truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng. Thống kê truyền thông xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2024 cho thấy có 72,70 triệu người đang dùng MXH, tương đương 73,3% tổng dân số. Con số này cho thấy tiềm năng phát triển nội dung truyền thông số trên MXH ở Việt Nam là rất lớn, đem đến nhiều thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên MXH trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, vẫn còn những lỗ hổng pháp lý, bảo mật và khó khăn nhiều mặt trong quản lý nội dung số trên các nền tảng MXH mỗi ngày khiến cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi phản văn hóa, trái đạo đức, vi phạm pháp luật trên MXH gặp nhiều thách thức.

Cho rằng thông tin trên Internet và MXH phải được quản lý chặt chẽ dựa trên cơ sở luật pháp và các điều ước của cộng đồng quốc tế, PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, kiến nghị Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và MXH, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý mang tính răn đe, có các khung hình phạt thích đáng xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức đưa tin xấu, độc trái văn hóa đạo đức trên MXH. Đồng thời, các cơ quan kiểm soát và chống tin xấu, độc, phản văn hóa trên MXH cần xây dựng các quy chế bắt buộc, yêu cầu các trang MXH phải kiểm soát thông tin đăng tải và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, trái quy định pháp luật…

Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật

Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong bối cảnh năng lực và trình độ quản lý trước những vấn đề mới ở nước ta còn nhiều hạn chế, do đó việc tăng cường cơ sở pháp lý là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để hình thành thói quen và hành vi ứng xử có đạo đức, văn hóa cho con người trên không gian mạng.

Cụ thể, cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về văn hóa, đạo đức của các nội dung thông tin trên không gian mạng và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi người dùng MXH; chú trọng rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả hệ thống các văn bản hiện hành như Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng và các luật liên quan…

Ngoài những quy định chung như hiện nay, tùy vào từng đối tượng cũng nên có những quy định riêng, kết hợp với những đặc thù nghề nghiệp để thực hành giao tiếp trên không gian mạng cho phù hợp, bảo đảm đạo đức và văn hóa người dùng mạng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của truyền thông xã hội và không gian mạng theo các quy định pháp luật hiện hành, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin xấu, độc được lan truyền trên không gian mạng, cũng như những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

H.Giang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-gia-tri-van-hoa-dao-duc-tuan-thu-phap-ly-tren-mang-xa-hoi-post514330.html