Bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong kỷ nguyên mới

Quốc phòng, an ninh (QPAN) có vai trò hết sức quan trọng trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia. Bảo đảm QPAN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, của toàn dân và toàn quân theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong khi tình hình thế giới và khu vực có những biến động khó lường, tác động toàn diện đến các lĩnh vực và đời sống xã hội, như chiến tranh, xung đột biên giới, trên biển, vấn đề an ninh mạng, an ninh phi truyền thống xuyên quốc gia (ô nhiễm môi trường, nhập cư, mua bán người, buôn lậu, buôn bán ma túy...), từ đó, đặt ra cho công tác bảo đảm QPAN trên khu vực biên giới, vùng biển phải có những yêu cầu, giải pháp toàn diện cả trước mắt và lâu dài.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP thăm, làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, BĐBP thành phố Hải Phòng. Ảnh: Xuân Chính

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP thăm, làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, BĐBP thành phố Hải Phòng. Ảnh: Xuân Chính

Trong những năm qua, BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân đã quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8, Việt Nam - Lào lần thứ 2, các đợt tuần tra chung giữa BĐBP các tỉnh 3 tuyến biên giới nước ta với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa quân và dân hai nước. Việc phối hợp tuần tra chung giữa lực lượng Cảnh sát biển vùng, các Hải đoàn BĐBP với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, các lực lượng quản lý biển một số nước ở vùng biển Tây Nam (Campuchia, Thái Lan) đã góp phần giữ vững an ninh trật tự các vùng biển giáp ranh, bảo vệ ngư dân vươn khơi, đánh bắt cũng như khai thác hải sản.

Các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, tuần tra chung trên biên giới, vùng biển giữa 2 bên, 2 lực lượng đã trở thành thường niên, thường xuyên, luân phiên, phát triển sâu rộng, thiết thực, có ý nghĩa chính trị quan trọng, được nhân dân các nước đồng tình và dư luận quốc tế quan tâm, góp phần bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa, từ lúc chưa nguy.

Cùng với các hoạt động trên, lực lượng BĐBP đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ đường biên, cột mốc, các cửa khẩu, ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu xăng dầu trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), buôn lậu vàng, ngoại tệ, ma túy, mua bán người... Những kết quả trên đã góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên các tuyến biên giới, vùng biển đảo, bảo đảm an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bước sang năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta tiếp tục quán triệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, chuẩn bị tiền đề bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức đang diễn ra với quy mô lớn hơn, hậu quả nặng nề, phức tạp hơn... Trước tình hình trên, đòi hỏi BĐBP và các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biên giới, vùng biển phải thực hiện tốt những yêu cầu và giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội XIII của Đảng là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng... Trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ quán lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc; xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ; giữ biên giới hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng.

Đồng thời, chủ động cập nhật, nắm vững nội hàm của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng. Đích đến và ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Trên cơ sở đó, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, thực hiện các mục tiêu và giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài về QPAN, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của kỷ nguyên mới.

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Việt Nam và đồng chí Lý Tuấn Kiệt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc trao biên bản hội đàm cấp cao tại Chương trình giao lưu công tác chính trị giữa Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Văn Anh

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Việt Nam và đồng chí Lý Tuấn Kiệt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc trao biên bản hội đàm cấp cao tại Chương trình giao lưu công tác chính trị giữa Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Văn Anh

Hai là, thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu theo hướng "cửa khẩu thông minh", bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, ngập khẩu, du lịch và phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, tuần tra chung biên giới, vùng biển giữa lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng theo hướng thực chất, hiệu quả, đoàn kết, hữu nghị.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát biển, Công an, Hải quan cũng như lực lượng chuyên trách các nước láng giềng đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hiệu quả các vụ mua bán người, buôn lậu, buôn bán ma túy... trên khu vực biên giới, vùng biển. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"... Từ đó, huy động nhân dân tích cực tham gia cùng các lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc, phòng, chống các loại tội phạm; tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các hoạt động kết nghĩa, giao lưu nhân dân giữa các địa phương hai bên biên giới, góp phần xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Ba là, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh, gọn, mạnh; đồng thời, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, đảo.

- Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt quan điểm xây dựng QĐND Việt Nam theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới", gắn với thực hiện đề án xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, tập trung vào những vấn đề cơ bản, thiết thực, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng, huấn luyện về tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bản lĩnh, linh hoạt trong xử lý các tình huống xảy ra trên biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

- Thứ hai, cần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, đảo, lấy sức mạnh của lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh tổng hợp của lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân, CAND với sức mạnh tổng hợp từ các lực lượng, các ngành và nguồn lực khác của đất nước. Xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân gắn với thế trận Quốc phòng toàn dân và thế trận An ninh nhân dân cũng như gắn với các nội dung về xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xử lý tốt các tình huống chiến lược, tại thực địa, không để bị động, bất ngờ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Công Hiếu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dam-quoc-phong-an-ninh-trong-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-ky-nguyen-moi-post486043.html