Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Cuốn sách 'Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự ở Việt Nam' của TS. Võ Quốc Tuấn sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND hiện nay.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án nhân dân có vị trí trung tâm và xét xử được coi là hoạt động trọng tâm.
Hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (trong đó có quyền của bị cáo), bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Để đảm bảo xét xử được chính xác, khách quan, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giảm thiểu oan, sai trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự, pháp luật tố tụng hình sự quy định Tòa án nhân dân thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử (xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm).
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, lần đầu tiên vụ án hình sự được đưa ra xem xét công khai với tất cả các chứng cứ thu thập được trong giai đoạn điều tra cùng với các chứng cứ mới được xem xét một cách khách quan, toàn diện, trực tiếp. Tại đây, những người tham gia tố tụng bình đẳng với nhau cùng với sự có mặt của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Bị cáo thực hiện quyền của mình tại phiên tòa như tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, được quyền trình bày quan điểm gỡ tội của mình trước Tòa án.
Để bảo đảm quyền của bị cáo, Thẩm phán và Hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án ra phán quyết phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Cuốn sách "Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự ở Việt Nam" của TS. Võ Quốc Tuấn.
Các quyền của bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó có quyền bào chữa mới chỉ là điều kiện cần, chúng không mặc nhiên được thực hiện khi bị cáo tham gia quan hệ pháp luật về tố tụng hình sự. Để bị cáo công khai thực hiện được quyền bào chữa của mình tại phiên tòa cần phải có nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể khác là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác.
Cùng với đó là những điều kiện cụ thể như sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp, giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí và truyền thông đối với hoạt động xét xử của Tòa án và các điều kiện, phương tiện vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.
Nói cách khác, để quyền bào chữa của bị cáo trở thành hiện thực, để bị cáo sử dụng quyền bào chữa của mình cần phải có sự bảo đảm từ phía Nhà nước, được biểu hiện thông qua hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các chủ thể khác.
Tòa án nhân dân phải bảo vệ quyền cho bị cáo tốt nhất, trong đó có quyền bào chữa, hạn chế oan, sai trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Yêu cầu đó đặt ra không chỉ đối với Tòa án mà còn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân, một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên chưa có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền bào chữa của bị cáo hoặc hạn chế về năng lực chuyên môn, trong khi một số quy định pháp luật còn bất cập, gây khó khăn cho bị cáo khi họ thực hiện các quyền của mình cũng như người bào chữa cho bị cáo chưa hoàn toàn được độc lập để phát huy tốt vai trò trong nhiệm vụ bảo vệ các bị cáo.
Do đó, việc xuất bản cuốn sách "Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự ở Việt Nam" của TS. Võ Quốc Tuấn sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân hiện nay. Nhà xuất bản giữ nguyên một số ý kiến của tác giả trong cuốn sách có thể còn có quan điểm khác nhau để bạn đọc tham khảo.
Hy vọng cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn và những người quan tâm đến bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự ở Việt Nam.