Bảo đảm sự minh bạch của kỳ thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi có quy mô rất lớn với sự tham gia của nhiều lực lượng. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức cho kỳ thi thì việc lựa chọn và kiểm soát con người rất quan trọng. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khâu ra đề thi là rất quan trọng. Bộ GDĐT cần bảo đảm sự minh bạch của kỳ thi, đồng thời có chế tài nghiêm khắc với những cá nhân làm rò rỉ đề thi.

PV: Thưa ông, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá rất quan trọng, song vẫn có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về việc nên hay không nên duy trì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh. Quan điểm của ông thì sao?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ.

PGS.TS TRẦN XUÂN NHĨ: Trước khi bàn tới việc nên hay không nên duy trì tổ chức kỳ thi chúng ta nên xem lại cách thức tổ chức kỳ thi như thế nào. Khi học sinh kết thúc một bậc học thì cần phải đánh giá xem các em qua giai đoạn đó có đạt được tiêu chuẩn đề ra hay không. Thế nên quan điểm của tôi là học sinh học hết phổ thông phải thi, nhưng cách tổ chức thi thế nào là vấn đề cần bàn thảo.

Nếu người thầy dạy tốt, công bằng, không có tiêu cực, đánh giá học sinh trong quá trình 12 năm học khách quan, công bằng qua học bạ thì cuộc thi này sẽ nhẹ nhàng hơn. Chúng ta có thể căn cứ vào kết quả 12 năm học phổ thông để xét tốt nghiệp và kiểm tra thêm một số kỹ năng cần thiết khác như cách thức của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện ở nước ta, kết quả này chưa hoàn toàn tin tưởng được. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá sản phẩm đào tạo của chúng ta tốt tới đâu, làm tiêu chuẩn giúp các trường chọn lựa, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.

Một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, các trường đại học có xu hướng giảm dần tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trước xu hướng này, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thay đổi thế nào để làm căn cứ tin cậy cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh, thưa ông?

- Theo Luật Giáo dục đại học 2018, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Các trường được tuyển sinh bằng các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Dù đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, nhưng theo đề án tuyển sinh của các trường, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường dành phần lớn chỉ tiêu hơn so với các phương thức tuyển sinh khác.

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai. Tinh thần của chương trình mới là đánh giá năng lực học sinh. Trong 3 năm học bậc THPT, các em sẽ có sự phân hóa khác với chương trình cũ là tất cả học sinh học một cách đồng nhất. Vì vậy, tới đây, kỳ thi cần có sự thay đổi, tính toán tới đặc tính khác biệt giữa hai chương trình.

Một trong những vấn đề mà thí sinh, phụ huynh và xã hội quan tâm nhất thời điểm này là đề thi. Có thể thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT dù huy động nhiều lực lượng tham gia nhưng hiện tượng lộ đề thi vẫn xảy ra. Gần đây nhất là nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học năm 2021. Lỗ hổng này do đâu, thưa ông?

- Chúng ta luôn cố gắng tối đa bảo đảm bí mật đề thi nhưng tôi cho rằng khó có thể tránh được việc lộ lọt đề, bởi vấn đề con người không hề dễ dàng như máy móc. Trong quá trình ra đề, người làm đề có nhiều mối quan hệ chằng chịt. Nếu người đó không rèn luyện tinh thần trách nhiệm thì đôi khi việc rò rỉ đề sẽ xảy ra và khó phát hiện. Đó là cái khó. Thế nên, bên cạnh việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho kỳ thi thì việc lựa chọn và kiểm soát con người rất quan trọng. Bởi bất cứ sai sót nhỏ nào của một cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng tới kỳ thi.

Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa việc này?

- Trách nhiệm của người tham gia vào kỳ thi rất quan trọng, đặc biệt ở khâu ra đề thi. Bộ GDĐT cần cố gắng bảo đảm sự minh bạch của kỳ thi, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm của tất cả những người tham gia kỳ thi về ý nghĩa quan trọng của kỳ thi, gạt bỏ tất cả những suy nghĩ mang tính chất cá nhân. Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm khắc với những cá nhân làm rò rỉ đề thi.

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra. Lo lắng, áp lực là tâm lý khó tránh khỏi của các sĩ tử. Ông có lời khuyên gì tới các em thời điểm này?

- Tôi muốn nhắn nhủ rằng, các em hãy cố gắng học và ôn tập tốt và khi cố gắng hết sức, các em chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt.

Về phía lực lượng tổ chức kỳ thi, từ Bộ GDĐT tới các địa phương, cần cố gắng hết sức để bảo đảm cho cuộc thi được diễn ra công bằng, khách quan, đạt kết quả tốt. Tôi tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc và thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-dam-su-minh-bach-cua-ky-thi-5721435.html