Bảo đảm thống nhất về cơ quan cấp lại giấy phép lái xe khi bị trừ hết điểm

Chiều 22.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới, gộp 4 điều thành 2 điều, tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 2 điều (Điều 33 và Điều 54).

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo Luật. Đồng thời, điều chỉnh nội dung theo nguyên tắc: Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, tại dự thảo Luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của Giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta. Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện Điều này.

Việc trừ điểm không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cho rằng, các phương án chỉnh lý dự thảo luật đã tiệm cận với nhiều tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế, có tính toán đến sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), dự thảo Luật được thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, văn minh giao thông; đồng thời, giúp cho công an nhân dân nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo đảm trật tự trị an, góp phần giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhiều ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định về điểm của Giấy phép lái xe (Điều 58). ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay mang tính nhân văn. Đồng thời, khi giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm người lái xe vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông cũng như việc làm, sinh kế, đời sống… của người dân.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), dự thảo Luật chưa quy định rõ trong trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe sẽ còn hiệu lực hay không. Do đó, đề nghị chỉnh sửa khoản 2 Điều 58 thành: “Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe hết hiệu lực và sẽ bị thu hồi".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, tại khoản 3, Điều 58 quy định “Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm” là chưa phù hợp với quy định tại khoản 7, Điều 61 của dự thảo “Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe…” và khoản 5, Điều 62 “Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe…”.

Vì vậy, Ban soạn thảo xem xét việc quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị, nên giao cho Bộ Giao thông Vận tải, vì theo khoản 8, Điều 60 và khoản 7, Điều 61 của dự thảo Luật thì Bộ Giao thông Vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp Giấy phép lái xe.

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ Bảy. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ Bảy. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tổng hợp tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật, chuẩn bị các nội dung để xin ý kiến bằng phiếu đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội được tiếp thu và giải trình đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-thong-nhat-ve-co-quan-cap-lai-giay-phep-lai-xe-khi-bi-tru-het-diem-i372536/