Bảo đảm tính chặt chẽ, không tạo khoảng trống pháp lý
Sáng 20.6, các ĐBQH thảo luận tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Bến Tre, Phú Yên, Quảng Trị) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Các ĐBQH thống nhất cao cần thiết triển khai các Luật càng sớm càng tốt bởi sẽ tác động rất tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên cần phải bảo đảm các điều kiện tổ chức, không tạo khoảng trống pháp lý, mâu thuẫn chồng chéo.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đều thống nhất cao cần sớm triển khai 4 Luật nhưng phải bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) bày tỏ rất ủng hộ việc sớm triển khai 4 Luật, vì "người dân rất trông, doanh nghiệp chờ, lãnh đạo, quản lý cũng mong đợi". Tuy nhiên, để các Luật triển khai hiệu quả, theo đại biểu "phải cực kỳ nỗ lực" vì từ nay đến thời điểm Chính phủ đề xuất có hiệu lực (1.8) chỉ còn hơn 1 tháng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, những vướng mắc liên quan đến đất đai như: định giá, giải phóng mặt bằng, thu hồi, tái định cư đều là vấn đề chung chứ không riêng một địa phương nào. Do đó, đây có lẽ cũng là dịp để xử lý dứt điểm tồn đọng để bắt đầu tầm nhìn mới, cách đặt vấn đề mới, tiếp cận mới cho việc quán triệt, thực hiện Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn.
Nhấn mạnh việc triển khai sớm các Luật là rất cần thiết, chủ trương rất hay, song đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, việc thực hiện không đơn giản, phải thống nhất, hướng dẫn thông suốt từ trên xuống dưới, trên thuận dưới thông còn hướng dẫn mỗi người 1 ý, trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì không thể thực hiện được.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, 4 Luật Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng có sự phối hợp với nhau thúc đẩy phát triển.
Theo đại biểu, hiện nay, người dân, doanh nghiệp, địa phương cũng đang chờ từng ngày, từng giờ để triển khai sớm cả 4 Luật và kỳ vọng sẽ tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị Quốc hội khi thông qua dự án Luật này thì cần yêu cầu Chính phủ từ nay đến ngày 1.8.2024 cần hoàn thiện các nghị định, thông tư, văn bản dưới luật để thực hiện cho đồng bộ.
Thống nhất quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) rất đồng tình đẩy nhanh hiệu lực của 4 Luật bởi thực tế, khi giám sát các công trình trọng điểm quốc gia cũng đã cho thấy chúng ta đang gặp vướng trong giải phóng mặt bằng, giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn lực và các vấn đề khác. Việc đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực của 4 Luật, theo đại biểu Đỗ Thị Lan là hoàn toàn chính đáng, không những giải quyết các vấn đề đang vướng mắc trước khi sửa đổi mà còn để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trong đó kế hoạch đầu tư công nếu không tháo gỡ vướng mắc thì sẽ vướng cả các dự án trung ương và dự án địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, đối với các bộ, ngành xây dựng văn bản chi tiết sẽ có áp lực rất lớn, do đó, phải chấp nhận có thể sẽ có những nghị định ban hành sau khi Luật có hiệu lực. "Nhưng cũng không nên chậm quá", đại biểu nói.