Bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế
Góp ý vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Phiên họp thứ 37, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần rà soát thật kỹ dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa chủ trương về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước. Trong đó, rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn.
Hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế
Về thu nhập chịu thuế, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí và điều kiện cụ thể đối với một số khoản thu nhập được miễn thuế trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; bổ sung quy định liên quan đến phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn thuế để quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể mức tỷ lệ của phần thu nhập không chia trên thu nhập tính thuế của cơ sở thực hiện xã hội hóa thì mức tỷ lệ tối thiểu là 25% thu nhập tính thuế; đồng thời, bổ sung đối tượng là liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023.
So với quy định hiện hành, dự thảo Luật mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế gồm: thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; thu nhập từ hoạt động có thu của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Nêu quan điểm về nội dung này trong báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế, đồng thời cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước
Theo khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật, thu nhập của doanh nghiệp từ sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản (kể cả trường hợp mua sản phẩm nông sản, thủy sản về chế biến) ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản (kể cả trường hợp mua sản phẩm nông sản, thủy sản về chế biến), sản xuất muối được miễn thuế. Trong đó, điểm a, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định, thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản quy định tại khoản này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên. Băn khoăn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần làm rõ sở cứ của việc tại sao dự thảo Luật lại đưa ra tỷ lệ là “từ 30% trở lên”, mà không phải là 20% hay 40%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, trong thu nhập được miễn thuế, Ủy ban Kinh tế quan tâm đến việc cập nhật lại quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó có khái niệm về doanh nghiệp nhà nước trước đây quy định là những doanh nghiệp có vốn điều lệ của Nhà nước 100% và bây giờ điều chỉnh lại là chỉ cần doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thế nhưng, ở khoản 9 Điều 4 dự thảo Luật vẫn quy định “khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” là thu nhập được miễn thuế.
Chỉ ra điểm thiếu thống nhất của dự thảo Luật so với Luật Doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, giải thích thêm tại sao chỉ có những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn các doanh nghiệp nhà nước khác trên 50% thì chưa được áp dụng quy định này?
Cân nhắc các mức thuế suất giữa các luật thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế
Nhằm thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế cho phù hợp nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực xã hội hóa, khoa học - công nghệ, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn..., Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, quy định cụ thể các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ theo ngành, nghề ưu đãi, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật này. Bổ sung ngành nghề ưu đãi đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này theo định hướng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1.7.2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ và đồng bộ với pháp luật về đầu tư hiện hành. Bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này…
Quan tâm đến quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, môi trường… tại Chương III dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Nhà nước ta cũng có định hướng chính sách tương tự đối với các lĩnh vực khác như: văn hóa, giáo dục, y tế. “Có cần thiết phải quy định có ưu đãi trong những lĩnh vực này để khuyến khích, thu hút đầu tư trong thời gian sắp tới hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi.
Liên quan thuế suất, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trước đây, khi trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Chính phủ cũng đề nghị đưa vào mức thuế suất ưu đãi từ 15 - 17% nhưng sau này sẽ quy định trong luật thuế. Thế nhưng, từ khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay thì bây giờ mới có quy định cụ thể về mức thuế suất ưu đãi này. Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh mong muốn trong hướng dẫn triển khai thực hiện sau này, có cách nào đó để quy định sớm đi vào cuộc sống. “Các thủ tục quy định cũng phải đơn giản để các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97 - 98% tổng số các doanh nghiệp của nước ta sớm được thụ hưởng chính sách, để đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển trong thời gian sắp tới".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, các chính sách về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tập trung vào đánh thuế trực thu hơn thuế gián thu, thế nhưng các chính sách của chúng ta bây giờ chưa theo thông lệ của quốc tế. Do đó, cần cân nhắc các mức thuế suất giữa các luật về thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm nguyên tắc phân phối và phân phối lại của thuế cũng như tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.