Bảo đảm tính dân chủ, chính danh và đồng thuận

Sửa đổi Hiến pháp không đơn thuần là thao tác lập pháp kỹ thuật. Đó là sự tái thiết nền tảng của trật tự chính trị - pháp lý quốc gia, là bản tuyên ngôn về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong một thời kỳ phát triển mới. Vì vậy, trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc sửa đổi Điều 110 và Điều 115 không thể xem nhẹ, đặc biệt khi liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính, bộ máy chính quyền địa phương và quyền giám sát của đại biểu dân cử.

1. Trong những nội dung đó, việc đề xuất kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện là bước đi táo bạo, có tầm nhìn, phù hợp với yêu cầu tinh giản bộ máy, hiện đại hóa nền hành chính. Tuy nhiên, chủ trương cải cách chỉ thực sự vững bền khi nó được đặt trên nền tảng đồng thuận xã hội.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện có thể hợp lý về thể chế, nhưng nếu đồng thời bỏ luôn quy định “lấy ý kiến nhân dân địa phương” khi điều chỉnh địa giới hành chính thì không chỉ sai về nguyên lý dân chủ, mà còn có thể làm suy giảm tính chính danh của chính quyền mới hình thành.

 Đại biểu HĐND TPHCM dự kỳ họp thứ 22 về sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu HĐND TPHCM dự kỳ họp thứ 22 về sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chi tiết “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập” thì điểm mới nằm ở việc không còn xác định cụ thể cấp huyện, xã mà trao quyền cho Quốc hội quyết định loại hình đơn vị hành chính bên dưới.

Đây là một thiết kế “mở”, linh hoạt, trao cho nhà lập pháp quyền chủ động tổ chức lại bộ máy hành chính phù hợp với thực tiễn quản lý, địa bàn, dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới. Tư duy hành chính hiện đại không còn đặt nặng tính chất hình thức của cấp bậc hành chính mà chú trọng hiệu quả quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chính phủ điện tử, rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay có thể xử lý trực tiếp từ cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở, không cần qua cấp hành chính trung gian.

Việc không tổ chức cấp huyện - vốn nhiều nơi chỉ mang tính hình thức hoặc trùng lặp nhiệm vụ - có thể giúp giảm đáng kể chi phí vận hành, tăng tốc độ phản ứng chính sách, và đặc biệt là tái cấu trúc mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt, thực chất. Tuy nhiên, bỏ cấp hành chính trung gian không đồng nghĩa với việc thu hẹp quyền dân chủ.

Trong quá trình điều chỉnh, nhập, chia, giải thể đơn vị hành chính, dù cấp nào thì nhất thiết cũng phải duy trì cơ chế lấy ý kiến nhân dân địa phương. Đây là nguyên tắc không thể nhân nhượng trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việc trong dự thảo sửa đổi không còn nhắc đến việc lấy ý kiến nhân dân khi thay đổi địa giới hành chính là một thiếu sót đáng lưu ý.

Không có một cuộc cải cách hành chính nào thành công nếu không lấy ý kiến người dân, là những người trực tiếp sinh sống và chịu tác động từ những thay đổi trong chính sách. Bài học từ thực tiễn những lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thời gian qua cho thấy, nơi nào lấy ý kiến nhân dân minh bạch, công khai, tổ chức đối thoại, nơi đó có tỷ lệ đồng thuận cao và triển khai thuận lợi.

Ngược lại, nếu làm một cách cơ học, hành chính hóa, thậm chí “làm thay” ý kiến của dân, thì dù chủ trương đúng vẫn dễ sinh phản ứng tiêu cực. Bởi lẽ, người dân không chỉ quan tâm đến tên gọi hay ranh giới địa lý, họ còn quan tâm đến dịch vụ công, đến việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu, đến tính ổn định trong đời sống và công việc sau khi đơn vị hành chính mới hình thành.

Do đó, Hiến pháp sửa đổi nên giữ lại hoặc bổ sung quy định: việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân địa phương, để bảo đảm tính dân chủ, chính danh và đồng thuận của cải cách.

2. Liên quan đến thiết chế giám sát, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi Điều 115 theo hướng mở rộng quyền chất vấn của đại biểu HĐND, là một bước tiến về mặt lý luận, thể hiện rõ yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực, đặc biệt trong điều kiện bộ máy hành chính địa phương được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, tập trung quyền lực vào các cơ quan điều hành.

Nếu mở rộng quyền chất vấn mới chỉ là điều kiện cần, thì điều kiện đủ là phải có chế tài đi kèm. Nếu quyền chất vấn không gắn với quyền kiến nghị, không dẫn đến hành động cụ thể, không được giám sát đến cùng, thì rất dễ trở thành hình thức.

Trong mô hình chính quyền địa phương mới, nơi vai trò của cấp trung gian được rút gọn, thì vai trò giám sát của HĐND càng phải được tăng cường cả về pháp lý lẫn thực thi. Các đại biểu tại địa phương không chỉ là người phát biểu ý kiến mà còn phải trở thành chủ thể kiểm tra, đánh giá hiệu quả điều hành của chính quyền, trên cơ sở đó phản ánh trung thực nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cử tri.

Muốn cải cách thành công, phải có sự phân quyền rõ ràng, đồng thời đặt cơ chế giám sát lên hàng đầu. Quyền chất vấn phải được thực hiện đều đặn, có trách nhiệm trả lời công khai, và phải có phản hồi đến người dân kịp thời.

ThS NGUYỄN TUẤN ANH - Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-dam-tinh-dan-chu-chinh-danh-va-dong-thuan-post794387.html