Chuyên gia hiến kế giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vượt khó
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần liên tục cập nhật thông tin từ các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ, cần tuân thủ các quy định mới nhất của Hoa Kỳ tại từng thời điểm và cập nhật thông tin liên tục trước khi hàng rời cảng Việt Nam.
Ngày 9-5, tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (UVBC) đã tổ chức hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam”.
Doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 5 năm qua, Việt Nam liên tục duy trì thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, với giá trị thặng dư tăng từ khoảng 63,4 tỷ USD năm 2020 lên gần 106 tỷ USD vào năm 2024.
Chính phủ Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho quá trình đàm phán với Hoa Kỳ, trên tinh thần hướng tới thương mại cân bằng, bền vững, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, phù hợp với các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ chú trọng khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án đầu tư, cũng như đẩy mạnh việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa với Hoa Kỳ.
“Dù mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể là bao nhiêu, hội thảo này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu nhìn nhận và nắm bắt những cơ hội mới”-bà Vân nói.
Theo bà Vân, chính quyền TP.HCM và các doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; đồng thời sẵn sàng thích ứng với những diễn biến mới của kinh tế thế giới, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ 17 Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Ông Joe Trung Trinh, Giám đốc Điều hành UVBC, cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động xây dựng các phương án để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong khi đó, bà Jenifer Diaz, Luật sư thương mại quốc tế, Công ty Luật Thương mại Diaz, cho biết trong bối cảnh hiện tại, việc Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp mức thuế quan rất cao cũng tạo ra cơ hội nhất định cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Giải pháp ứng phó khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Bà Diaz cho rằng, dù Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhất định, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần xây dựng nhiều kế hoạch, phương án để ứng phó linh hoạt với tình hình thị trường biến động liên tục.
Ngay cả khi doanh nghiệp xuất khẩu thông qua một đối tác trung gian tại Mỹ, hàng hóa vẫn có thể bị xem xét kỹ về thuế quan và tuân thủ quy định. Vì vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hết sức lưu ý điều này.
Cùng quan điểm trên, bà Ngọc Lewis, Chuyên gia Thuế quan Hoa Kỳ của UVBC, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần liên tục cập nhật thông tin từ các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định mới nhất của Hoa Kỳ tại từng thời điểm và cập nhật thông tin liên tục trước khi hàng rời cảng Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ cần chuẩn bị giấy chứng nhận xuất xứ cho thành phẩm mà còn nên có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của cả nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị các giấy tờ này để có thể cung cấp ngay nếu Hải quan Hoa Kỳ yêu cầu, nhằm tránh rủi ro phát sinh chi phí (như phí lưu kho) nếu hàng hóa bị giữ lại.
Tiến sĩ Sơn Trần, Trợ lý Giáo sư Kinh doanh tại Đại học SUNY Cobleskill và Cố vấn Phát triển Kinh doanh cho UVBC cho biết, để ứng phó hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét một số hướng chiến lược chính.
Thứ nhất, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ chuỗi cung ứng, đảm bảo ghi nhãn xuất xứ minh bạch và sớm áp dụng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ cũng như EU.
Thứ hai, nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất gia công (OEM/ODM) sang mô hình nhà sản xuất thiết kế và làm chủ thương hiệu (OBM), tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, đổi mới sản phẩm và xây dựng tệp khách hàng riêng.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia, chủ động làm việc với các hiệp hội thương mại và cơ quan hoạch định chính sách, tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại chính sách và chứng tỏ Việt Nam là một đối tác thương mại đáng tin cậy.
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia và thương hiệu ngành mạnh mẽ.
“Chiến lược thương hiệu cần chuyển đổi hình ảnh Việt Nam từ một quốc gia sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy, có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo, giá trị cao như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và thủy sản.
Ở cấp độ ngành, cần xây dựng thương hiệu tập thể dựa trên các giá trị cốt lõi là chất lượng, tính bền vững, sự tuân thủ và uy tín,” ông Sơn nhấn mạnh.