Báo động chênh lệch giới

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100. Đã qua nhiều năm vận động kế hoạch hóa gia đình, trong có có cả việc đã từng cấm tuyệt đối việc xác định giới tính thai nhi trước sinh, nhưng chênh lệch số trẻ nam/nữ vẫn tiếp tục cao.

Cụ thể, theo Báo cáo tình hình dân số, lao động và việc làm quý 4 và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái. Năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái. Năm 2022 là 113,7 bé trai/100 bé gái. Năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái.

Những con số kể trên cho thấy chênh lệch giới tính bé trai/bé gái khi sinh rất lớn, khi mà mức sinh thay thế cân bằng tự nhiên phải là 105 nam/100 nữ.

Đáng chú ý, giai đoạn 1999 - 2005, biến động tỷ số giới tính của Việt Nam dao động trong khoảng 104 đến 109 bé trai/100 bé gái.

Cũng về vấn đề dân số, xin dẫn thêm một số số liệu. Tới nay, mức sinh trung bình của phụ nữ Việt có xu hướng giảm nhẹ, hiện ở mức 1,96 con/một phụ nữ. Mức này đã giảm một nửa so với 3,8 con trên một phụ nữ vào năm 1989, thấp hơn hơn so với trung bình của khu vực Đông Nam Á: khoảng 2 con/một phụ nữ và cũng thấp hơn mức sinh thay thế cân bằng tự nhiên là 2,1 con.

Tại thời điểm thống kê năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,7 (nam giới 71,1 và nữ 76,5). Tuổi này thấp hơn so với 3 nước trong khu vực là Singapore 83, Brunei 78 và Thái Lan 76. Đáng chú ý, trong khoảng trung bình 10 năm khi về già, người Việt đối mặt với nhiều bệnh tật, thời gian sống khỏe mạnh trong cuộc đời chỉ khoảng 64 năm.

Khi già yếu, lại kéo theo bệnh tật, cần có người chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. Tâm lý chung của người Việt là khi già sẽ ở với con trai vì “con gái là con người ta”. Đó chính là nguyên nhân đầu tiên khiến nhà nào cũng muốn có con trai, cặp vợ chồng nào cũng muốn có con trai. Bên cạnh đó, cách nghĩ con trai để nối dõi tông đường vẫn phổ biến, dẫn đến thái độ “trọng nam khinh nữ”. Khi con trai lấy vợ, “các cụ” tìm nhiều cách thúc giục đẻ con trai. Vì thế, cho dù nhiều cặp vợ chồng trẻ không quá nặng tâm lý sinh con trai hay gái, nhưng do sức ép “từ trên xuống” nên phải cố có con trai. Từ đó mới dẫn đến chuyện xác định giới tính thai nhi. Nhiều trường hợp khi biết thai nhi đó là gái, thì đã loại bỏ một cách rất đau lòng.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em thì mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt cao ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Trong khi đó, hết sức lo ngại khi ông Mai Xuân Phương - nguyên Phó Vụ trưởng Truyền thông giáo dục (Cục Dân số, Bộ Y tế), cho biết chúng ta là một trong quốc gia hiếm hoi có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên và đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu. Ông Phương còn cho rằng người càng khá giả và hiểu biết lại càng có điều kiện tiếp cận các phương pháp lựa chọn giới tính.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, không còn tình trạng trọng nam khinh nữ.

Trên thế giới, nhiều quốc gia nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, coi đó là hành vi có hại. Nhiều chính phủ quy định khuôn khổ pháp lý rất chặt chẽ để đảm bảo bình đẳng giới. Với chúng ta, rất nhiều khuyến cáo, rất nhiều vận động nhưng thực tế cho thấy vẫn không biến chuyển, ngược lại còn thụt lùi (năm 2005 tỷ lệ là 109 bé trai/100 bé gái; đến năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái). Đó là điều rất đáng lo, rất đáng suy nghĩ khi mà theo giới nghiên cứu xã hội học, với tỷ số giới tính 112 bé trai/100 bé gái thì Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và đến năm 2050 sẽ có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ người Việt.

Minh Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dong-chenh-lech-gioi-10285578.html