Báo động đỏ về diện tích rừng nhiệt đới bị phá hủy do cháy rừng

Theo báo cáo được tổ chức theo dõi rừng toàn cầu Global Forest Watch công bố ngày 21/5, các khu rừng mưa nhiệt đới đã bị phá hủy ở mức độ kỷ lục trong năm 2024, tương đương với 18 sân bóng đá mỗi phút, trong đó phần lớn là do cháy rừng.

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở khu vực Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở khu vực Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng cộng, thế giới đã mất 67.000 km2 rừng nhiệt đới nguyên sinh quý giá, gấp đôi diện tích nước Bỉ và nhiều hơn 80% so diện tích rừng mất đi trong năm 2023.

Đồng Giám đốc của Global Forest Watch - bà Elizabeth Goldman, cho biết đây là báo động đỏ toàn cầu bởi mức độ phá này ở mức nghiêm trọng chưa từng có trong hơn 20 năm tổ chức này thu thập dữ liệu.

Cháy rừng là nguyên nhân gây ra gần 50% diện tích rừng bị mất, lần đầu tiên vượt qua nạn chặt rừng để lấy đất nông nghiệp, trở thành nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá.

Theo nghiên cứu, hàng loạt đám cháy rừng nghiêm trọng đã bùng phát trong năm ngoái và trở nên dữ dội, khó kiểm soát hơn do điều kiện nắng nóng kỷ lục. Biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến năm 2024 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.

Việc mất đi lớp rừng che phủ do nạn phá rừng và cháy rừng trong năm 2024 đã tạo ra hơn 3 tỷ tấn khí CO2, vượt quá lượng khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Ấn Độ trong cùng kỳ.

Cháy rừng vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của biến đổi khí hậu, thải ra hàng tỷ tấn CO2 vào khí quyển, từ đó đẩy nhanh quá trình nóng lên và tạo ra các điều kiện dẫn đến các đám cháy tàn khốc hơn.

Năm ngoái, 2,8 triệu ha rừng nguyên sinh đã bị phá hủy chỉ riêng tại Brazil, 2/3 trong số này bị phá bỏ để nhường chỗ cho đậu nành và gia súc. Điều này trái ngược với số liệu mà mạng lưới giám sát MapBiomas của Chính phủ Brazil công bố vào tuần trước, trong đó cho biết tình trạng phá rừng giảm mạnh vào năm 2024. Tuy vậy, số liệu của MapBiomas dựa trên các tiêu chí hẹp hơn và không bao gồm nhiều khu vực bị tàn phá bởi hỏa hoạn.

Rừng mưa nhiệt đới là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao nhất nhưng cũng là nơi bị đe dọa nhiều nhất trong số các quần xã sinh vật rừng trên hành tinh. Rừng nhiệt đới giúp hấp thụ CO2, ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn mức hiện tại.

Nguyễn Viễn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-dong-do-ve-dien-tich-rung-nhiet-doi-bi-pha-huy-do-chay-rung-20250521180913011.htm