Báo động mất an toàn từ thực phẩm đường phố
'Xiên bẩn' là cách gọi của giới trẻ về các món ăn vặt được xiên vào que bán ở vỉa hè như cá viên chiên, xúc xích chiên, hồ lô chiên... Nó được chế biến vô cùng đơn giản, nhanh gọn bằng cách chiên với dầu và cố định lại bằng những que xiên.
Từ “bẩn” trong tên gọi của nó được hiểu theo nghĩa đen bởi các quán bán ở vỉa hè đầy khói bụi, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, pha chế nhiều phụ gia và chiên rán trong chảo dầu rán đen đặc. Khách hàng của những hàng “xiên bẩn” này chủ yếu là giới trẻ như học sinh, sinh viên bởi dễ ăn mà giá lại rẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy loại thực phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các quán “xiên bẩn” xuất hiện tràn lan ở các cổng trường học, chợ cóc, lề đường… Ảnh: Minh Anh.
Thực trạng đáng báo động
Nói về “xiên bẩn” hẳn nhiều người trẻ tấm tắc khen ngon. Món ăn giá rẻ này rất được học sinh, sinh viên ưa chuộng, có giá trung bình từ 2.000 - 10.000 đồng, thêm ly nước ngọt hay nước uống có gas giải nhiệt, chấm với tương ớt cay ngọt đủ cả, với nhiều người đó là món ăn vặt rất khó bỏ. Thông thường, mỗi khách sẽ ăn ít nhất 10 xiên. Nhiều thời điểm chỗ ngồi chật kín khách thì họ lại mua đem về, người bán làm liên tục mà cũng không kịp.
Các hàng “xiên bẩn” thường chọn bày bán phổ biến tại các khu vực đông người như vỉa hè trước cổng trường học, chợ cóc, lề đường và hiện đang xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát gây tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn và tích tụ độc tố lâu dài cho người tiêu dùng. Không gian chế biến tạm bợ, sát ngay dòng xe cộ qua lại, bụi bặm, nhưng vẫn thu hút đông đảo thực khách, đặc biệt là giới trẻ.
Vào tầm giờ tan học tại các cổng trường học, các quán vỉa hè ở các khu vực Bách Khoa, Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng), Văn Quán (Hà Đông), Núi Trúc (Ba Đình), Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân), Tôn Thất Tùng, Chùa Bộc (Đống Đa), chợ nhà Xanh (Cầu Giấy) … vô số những hàng bán “xiên bẩn” nối đuôi nhau bắt đầu tấp nập đón khách. Vậy mà quán nào cũng đông khách. Khách hàng thì đa dạng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ học sinh đến sinh viên đều dành sự yêu thích cho món ăn này. Có bạn thì đứng ăn tại chỗ, nhưng cũng có học sinh mua mang về, chờ bố mẹ đến đón thì ngồi lên xe nhâm nhi coi như là món ăn bữa chiều.
Trong khi những que “xiên bẩn” được đưa đến tay khách hàng với mùi thơm khó cưỡng thì ai biết rằng nó có thể được chiên đi chiên lại nhiều lần trong chảo dầu rán ngả màu vàng đậm, đen đặc. Bên cạnh đó, đập ngay vào mắt cũng là những cảnh tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là những que xiên chín để gần đồ sống, bọc trong túi nilon không buộc cẩn thận hay là những can tương ớt, nước chấm không nhãn mác vứt dưới gầm bàn hay ngay bên cạnh thùng rác. Cả một mớ chai lọ hỗn độn, đồ sống để cạnh đồ chín tạo nên khung cảnh vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể, ở nhiều nơi, những que xiên mà các khách hàng dùng xong nhanh chóng được chủ quán thu gom lại nhưng không phải là vứt đi mà là tái sử dụng cho những lần sau.

Xiên bẩn là món ăn được nhiều học sinh, sinh viên ưa chuộng. Ảnh: Minh Anh.
Người tiêu dùng phớt lờ nguy hiểm
Trả lời câu hỏi về việc có lo ngại mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn “xiên bẩn” hay không, Phương Linh (sinh viên đại học) cho biết: “Xiên bẩn là món ăn được nhiều học sinh, sinh viên như bọn em ưa chuộng, rất tiện lợi vì bày bán ngay trước cổng trường, các khu ở trọ của sinh viên hay kí túc xá và lại còn phù hợp với túi tiền. Mặc dù biết là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng em chưa thấy bị đau bụng sau khi ăn nên em vẫn ăn vì nó ngon, tiện mà giá lại rẻ.”
Còn Thu Anh, học sinh THPT thì lại cho rằng: “Sau mỗi giờ tan học bọn em thường rất đói nên những hàng xiên bẩn ngay ngoài cổng trường là lựa chọn tối ưu vì nó rất rẻ mà lại ngon, đa dạng nhiều loại xiên. Cảm giác ăn còn ngon hơn cơm nhà vì có lẽ được tụ tập ăn cùng bạn bè. Nếu ăn một mình thì bọn em sẽ ăn ít nhưng nếu đi ăn cùng bạn bè, ngồi lai rai thì bọn em còn ăn được nhiều hơn.”
Cầm que cá viên chiên nóng hổi, Tuyết Mai (học sinh THCS) cho biết: “Mấy xiên này ăn cuốn lắm ạ. Tan học là em chạy ra cổng trường ăn, có hôm em ăn hết 20.000 - 30.000 đồng.” Khi được hỏi, gọi là “xiên bẩn” sao em vẫn ăn, Mai trả lời: "Vì nó ngon và rẻ ạ, với cả có phải ngày nào em cũng ăn đâu. Một tuần em ăn 2, 3 lần thôi”.
Còn về người bán, khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng của các loại đồ ăn này, họ chỉ trả lời qua loa rằng các mặt hàng này được học sinh, sinh viên ưa thích với giá cả phải chăng nên mới nhập về bán với cả “mọi người đều ăn suốt mà có thấy ai bị làm sao đâu”. Người bán còn cho biết thêm, trung bình mỗi ngày, họ bán được khoảng 1.000 xiên các loại.
Cảnh báo nguy cơ cho sức khỏe
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ngày càng phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt tại các thành phố lớn nơi tập trung nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các món ăn rất đa dạng như: thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh, thu hút đông đảo người dân và du khách. Thực phẩm, đồ ăn được cung cấp bởi các hàng quán vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm do điều kiện bảo quản, chế biến chưa đảm bảo, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, thực phẩm này cũng mang nhiều nguy cơ nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh…
Các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh... tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học. Các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cần được xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Đồng thời, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền cho người tiêu dùng đặc biệt là học sinh, sinh viên lựa chọn quán ăn sạch sẽ.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên đường phố, đặc biệt là các hàng quán không đảm bảo quy chuẩn vệ sinh như các hàng “xiên bẩn” ven đường tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn và tích tụ độc tố lâu dài cho người tiêu dùng.
Việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt là nướng “xiên bẩn” tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe như ngộ độc thực phẩm gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói cấp tính; nhiễm khuẩn đường ruột từ các vi khuẩn như E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn, dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài; tích tụ độc tố lâu dài do dùng dầu chiên nhiều lần dễ tạo ra các chất gây ung thư. Cùng với đó, những nguyên liệu như thịt không được nướng chín kỹ hoặc nguyên liệu từ động vật nhiễm bệnh có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần ưu tiên những nơi có khu vực nướng sạch, người bán có sử dụng bao tay để đảm bảo vệ sinh; không mua đồ của các hàng quán có xiên nướng màu sắc bất thường, mùi hôi hoặc dầu chiên đen sậm, nhiều cặn; hạn chế ngồi ăn hoặc mua đồ ăn tại các khu vực bụi bặm, nhiều xe cộ, khói bụi, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội:
Thực phẩm hè phố đang mất kiểm soát
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.
Nhiều người bán thức ăn đường phố thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, không rửa tay bằng xà phòng, không đeo găng tay, không cắt móng tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm thì nguy cơ vi khuẩn từ tay người vào thực phẩm là rất lớn. Việc sản xuất và bày bán thức ăn tại nơi thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường như cung cấp nước sạch, xử lý rác, chất thải... cũng là nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần không chỉ không giữ được chất dinh dưỡng mà còn tăng hàm lượng chất béo chuyển hóa, là nguyên nhân gây loạt bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp... Không những thế, chất Acrolein trong dầu mỡ cháy tăng cao không chỉ gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, béo phì...
Tình trạng mất an toàn thực phẩm từ các hàng quán vỉa hè hiện nay rất khó kiểm soát. Nhiều cơ sở đặt lợi nhuận lên hàng đầu, chưa chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của người bán đối với cộng đồng.
PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:
Vi khuẩn sẽ nhân lên khi vào đường tiêu hóa
PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Khi sử dụng các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi khuẩn sẽ nhân lên khi vào đường tiêu hóa và gây bệnh ngay tại đây. Các độc tố vi khuẩn có thể gây tình trạng ngộ độc tức thì ngay sau khi ăn. Những tổn thương trên đường tiêu hóa sẽ gây ra các triệu chứng như nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy; tiếp theo là tình trạng nhiễm độc toàn thân, rồi sốt, mệt mỏi, rối loạn đa chức năng thậm chí tử vong.
Những sản phẩm như xiên que thường chế biến thức ăn ngay tại chỗ, bày bán tràn lan tại các cổng trường học đều không có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh. Các sản phẩm này chưa được các cơ quan kiểm chứng và không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế):
Trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến gia đình, nhà trường
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong.
Thức ăn đường phố là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nếu không quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng.
Để giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm, cần áp dụng các biện pháp từ cá nhân, nhà trường, gia đình đến cơ quan quản lý. Phụ huynh cần giải thích rõ về nguy cơ ngộ độc thực phẩm để con em nhận thức được vấn đề. Từ đó, học sinh nên tránh mua đồ ăn vặt tại các quầy bán không rõ nguồn gốc hoặc mất vệ sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức các buổi tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhấn mạnh nguy cơ từ thực phẩm đường phố, dẹp bỏ các quầy bán xiên que không đảm bảo vệ sinh gần cổng trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dong-mat-an-toan-tu-thuc-pham-duong-pho-10302563.html