Báo Giải Phóng: Bản hùng ca của tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20/12/1960, yêu cầu cấp bách lúc này cần phải có một tờ báo của Mặt trận. Đầu năm 1964, Mặt trận Trung ương đã cử một đoàn cán bộ của Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với tên gọi: Báo Giải Phóng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải Phóng miền Nam Việt Nam, Chủ nhiệm Báo Giải Phóng và các phóng viên (năm 1969). Ảnh: Tư liệu.
Hơn 60 năm trước, nhà báo Trần Phong - nguyên Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc được cử từ miền Bắc theo đoàn tàu không số vượt biển vào làm Tổng Biên tập đầu tiên với bút danh Kỳ Phương. Hai nhà báo khác là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) cũng từ Báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh để chuẩn bị nhân sự và hậu cần cho việc xuất bản Báo Giải Phóng.
Trước ngày xuất bản, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Chủ nhiệm Báo đã chỉ đạo Ban biên tập Báo Giải Phóng phải nỗ lực tối đa để độc giả Báo Giải Phóng không chỉ là nhân dân ở vùng giải phóng mà còn ở vùng ven và cả nội thành nữa. Làm sao khi đọc Báo Giải Phóng, nhân dân Việt Nam sẽ được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng. Báo Giải Phóng sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra với đồng bào miền Bắc, cổ vũ bà con ngoài đó đóng góp sức người sức của vào cuộc chiến đấu trên nửa đất nước. Báo Giải Phóng cũng sẽ đến với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ và đúng cuộc kháng chiến của chúng ta.
Với tinh thần khẩn trương, bằng mọi giá, Báo Giải Phóng đã được xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 tại Chiến khu C, Tây Ninh đúng dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hơn 10 năm sau đó, từ 1964 đến 1977, Báo Giải Phóng cùng các cơ quan báo chí cách mạng như Thông tấn xã Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Quân Giải Phóng, Văn nghệ Giải Phóng… tạo thành một lực lượng tuyên truyền chủ lực nơi tiền tuyến, phục vụ trực tiếp cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng thời gian này, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Giải Phóng được bổ sung, tăng cường từ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Họ là những phóng viên, nhà báo kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm, trong số đó có Thép Mới, Nguyễn Huy Khánh, Bùi Kinh Lăng, Tô Quyên, Tình Đức, Nguyễn Hồ, Kim Toàn, Đinh Phong, Nguyễn Thế Phiệt, Mai Dưỡng, Vũ Tuất Việt, Trần Bé, Mai Trang, Mạnh Tùng…
Để vào được chiến trường miền Nam, các nhà báo ở miền Bắc đã phải mất hàng tháng trời bí mật đi bộ vượt dãy Trường Sơn núi non hiểm trở hoặc đi theo các con tàu không số lênh đênh trên biển giữa bom đạn của địch luôn rình rập, bắn phá.
Nhà báo Kim Toàn (tức Cao Kim) là 1 trong 23 thành viên của Đoàn K94 - mật danh của Đoàn cán bộ báo chí học lớp đặc biệt dành cho các nhà báo chiến trường của Trường Tuyên huấn Trung ương. Nhà báo Kim Toàn nhớ lại, năm 1966, ông đã cùng các thành viên K94 vượt Trường Sơn ròng rã 4 tháng liền từ Bắc vào Nam để trở thành phóng viên Báo Giải Phóng. Ông đã cùng với các phóng viên Báo Giải Phóng lần lượt chia nhau đi nhiều chiến trường. Những phóng viên Báo Giải Phóng đã có mặt tại nhiều địa bàn và mặt trận ác liệt nhất của miền Nam, vừa trực tiếp cầm súng và chiến đấu, vừa tác nghiệp, ghi lại từng khoảnh khắc quan trọng, gửi về Báo Giải Phóng và các báo cách mạng những bài viết nóng bỏng khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân, dân ta nơi tiền tuyến.
Theo nhà báo Kim Toàn, chặng đường lịch sử của tờ báo từ năm 1964 - 1977 đã khẳng định, Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Chính vì thế Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới.

Một số tờ Báo Giải Phóng.
Báo Giải Phóng cũng như những người cầm bút ở chiến trường phải hoạt động trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh vô cùng ác liệt, nhưng những nhà báo - chiến sĩ kiên gan ấy vẫn bám trụ trận địa đưa tin kịp thời, đầy đủ về những trận thắng quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (ngày 26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (tháng 8/1965); mùa khô 1965 - 1966, mùa khô 1966 - 1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Điều này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ mà còn có giá trị về phương diện chính trị, lịch sử và công tác báo chí.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà báo không chỉ tác nghiệp tin bài mà còn tự thu xếp việc in ấn, chuyển phát báo tới độc giả. Không chỉ xuất bản, phát hành, Báo Giải Phóng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo lực lượng làm báo cho các địa phương, tổ chức nghiên cứu báo chí để tham mưu giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những vấn đề đấu tranh với địch trên mặt trận báo chí. Báo Giải Phóng thực sự là vũ khí đấu tranh sắc bén, người bạn tin cậy của đồng bào, chiến sĩ.
Điều đặc biệt hơn nữa, Báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Từ ngày 6/6/1969, Báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Giữa lúc chiến tranh ác liệt, đã có thời điểm, Báo Giải Phóng mất nhà in và phải tạm đình bản trong khi bài vở, tin tức của phóng viên từ các mặt trận chuyển về rất nhiều. Không thể để tiếng nói của Mặt trận bị tắt, Ban Biên tập Báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói”, nghĩa là tờ báo vẫn được biên tập đầy đủ các trang mục nhưng không in mà phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng như điểm báo. Quân và dân ta cũng như bạn bè vui mừng khi thấy Báo Giải Phóng vẫn còn “sống”.
Hơn mười năm, Báo Giải Phóng đã khắc họa hình ảnh chân thực nhất của cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các tầng lớp nhân dân miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của quân giải phóng, tiến hành nhiều hình thức đấu tranh, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại từng chiến lược chiến tranh, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30/4/1975.
Sau ngày giải phóng, cán bộ Báo Giải Phóng còn xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải Phóng. Số đầu tiên ra ngày 5/5/1975, in màu, 8 trang khổ lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân miền Nam vừa được giải phóng. Ngày 27/7/1975, Báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn, đồng thời cho ra mắt Báo Giải Phóng bộ mới, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ thời hậu chiến của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại TPHCM, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng với Báo Cứu Quốc ở miền Bắc, Báo Giải Phóng ở miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng hợp nhất thành Báo Đại Đoàn Kết.
Báo Giải Phóng ra đời trong chiến tranh và kết thúc nhiệm vụ sau ngày đất nước thống nhất. Nhìn lại hơn mười năm tồn tại của tờ báo, dù ngắn ngủi nhưng vô cùng tự hào về đội ngũ những thế hệ làm Báo Giải Phóng. Để hoàn thành sứ mệnh là cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, các nhà báo - chiến sĩ đã vượt bao gian khổ, hiểm nguy, vừa viết báo, vừa chiến đấu, rất nhiều trong số đó đã ngã xuống bởi bom đạn của kẻ thù để đảm bảo xuất bản báo với những bài viết mang theo hơi thở của các chiến sĩ, đồng bào miền Nam, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến của dân tộc, làm nên Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
Tờ báo và những người làm Báo Giải Phóng chính là sự hiện hữu cả một chặng đường gian khổ và vinh quang trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của dân tộc. Dù chỉ kéo dài hơn 10 năm nhưng Giải Phóng là một tờ báo Anh hùng với những người làm báo quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam, niềm tự hào của tờ báo Mặt trận.