Nghề dệt Zèng giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới thoát cảnh nghèo khó

Nghề dệt Zèng không chỉ được bảo tồn một cách vững chắc mà còn tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Tp.Huế) thoát cảnh nghèo khó. Có được điều đó cũng nhờ vào dấu ấn đậm nét của các HTX tại địa phương khi đưa nghề dệt thổ cẩm này đi vào bài bản, chuyên nghiệp và nâng tầm giá trị.

Nghề dệt Zèng ở A Lưới hiện là một trong số 13 làng nghề tiêu biểu của Tp.Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trong nghề dệt Zèng tại huyện này ngày càng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là hàng trăm phụ nữ người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều trên vùng đại ngàn Trường Sơn.

Dấu ấn đậm nét của HTX

Hiện nay, các HTX và tổ hợp tác dệt Zèng tập trung ở các xã biên giới của A Lưới như Quảng Nhâm, A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, xã A Ngo, thị trấn A Lưới… Hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đã giúp cho công việc sản xuất Zèng của bà con dân tộc thiểu số đi vào bài bản, chuyên nghiệp.

Nghề dệt Zèng đang tạo thu nhập ổn định cho nhiều phụnữ dân tộc thiểu sốở A Lưới.

Điều khiến các thành viên của những HTX sản xuất Zèng phấn khởi là thông qua sự kết nối của HTX, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các bản làng xa xôi ở A Lưới có những đơn hàng giá trị, góp phần cải thiện sinh kế.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới đã có 6 HTX dệt Zèng được thành lập với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (nhiều nhất là đồng bào Tà Ôi), vừa giữ được văn hóa truyền thống vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, rất nhiều đồng bào Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới cũng tham gia học hỏi HTX để cùng phát triển nghề dệt Zèng.

Qua dấu ấn đậm nét của các HTX dệt Zèng đã phần nào giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, lao động thời vụ tại địa phương. Đồng thời, giúp A Lưới ổn định trật tự, đóng góp xây dựng kinh tế xã hội và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo.

Ngoài việc tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số, các HTX này đang hướng tới mở rộng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để mặt hàng dệt thổ cẩm Zèng ngày càng vươn xa, ngày càng được nhiều công chúng đón nhận.

Trong đó, phải kể đến HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh (tại thị trấn A Lưới) được đánh giá là một điểm sáng về kinh tế tập thể. Nếu như trước đây HTX chỉ bán sản phẩm Zèng như một loại vải thông thường để người tiêu dùng tự may đo thì nay HTX còn thiết kế áo cho nam, nữ, chân váy, thắt lưng…Những trang phục này dễ dàng phối với đồ tân thời, như áo khoác Zèng cho nam, chân váy Zèng đi cùng sơ mi cho nữ…

Vừa cải thiện sinh kế vừa giữ nghề truyền thống

Ngoài ra, HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh đã sáng tạo ra khoảng 30 sản phẩm để làm quà lưu niệm, như móc khóa, bông tai, kẹp, cài, túi xách, khẩu trang, thú bông, khăn quàng cổ..., bán với giá dao động từ 35.000 - 500.000 đồng nên người dân địa phương và du khách rất thích thú. HTX còn nghiên cứu để phát triển thêm các sản phẩm mới lấy Zèng làm vật liệu, họa tiết trang trí để đưa giá thành thấp xuống nhưng vẫn tạo được cảm hứng mới lạ cho người tiêu dùng.

Sự năng động củacác HTX dệt Zèng giúp đồng bào thiểu sốở A Lưới cải thiện sinh kế, thoát cảnh nghèo khó.

Nhờ vào sự năng động mà HTX này đã thu hút ngày càng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ ở thị trấn A Lưới mà còn ở các xã A Đớt, A Roàng, Hồng Kim, Hồng Bắc… tham gia làm thành viên (tính đến nay đã có trên 130 thành viên). Nhờ đó, họ cũng có được việc làm thường xuyên và cải thiện sinh kế.

Theo chị Blup Thị Hà, Giám đốc HTX, khi tham gia vào HTX thì bà con địa phương đã thay đổi được tư duy để việc sản xuất thổ cẩm đi vào quy trình, kế hoạch bài bản. Nhờ đó, số lượng sản phẩm tăng lên, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.

Chị Hà cho biết bình quân mỗi tấm vải Zèng của HTX bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng, có loại làm cầu kỳ, đính cườm và khổ rộng có giá lên tới gần 2 triệu đồng. Khi sản phẩm được nhiều người biết đến giúp HTX bán được hàng thì các thành viên càng có thu nhập ổn định và giữ được văn hóa truyền thống.

Hoặc như ở xã Hồng Thượng (huyện A Lưới) có HTX Thổ cẩm A Co Hồng Thượng thời gian qua đã tạo việc làm cho người lao động là dân tộc thiểu số địa phương thông qua nghề dệt Zèng. HTX còn đào tạo tay nghề sản xuất dệt thổ cẩm, liên doanh liên kết với các HTX bạn mở rộng sản xuất kinh doanh và thị trường tiêu thụ.

Kênh tiêu thụ truyền thống của HTX này chủ yếu ở Huế, Hà Nội, Tp.HCM với các sản phẩm chủ yếu như vải Zèng và các sản phẩm làm ra từ Zèng như váy, thắt lưng, áo, quần, ví, túi, khăn, khố…

Với vai trò góp sức của HTX Thổ cẩm A Co Hồng Thượng đã phần nào giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hồng Thượng ngày càng nâng lên, ra khỏi danh sách 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% của huyện A Lưới. Mục tiêu xã Hồng Thượng đưa ra trong năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn khoảng 4,42%, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Nâng tầm giá trị sản phẩm Zèng

Hay như tại xã Nhâm (huyện A Lưới) có HTX Thổ cẩm xã Nhâm vừa bảo tồn và vừa phát huy nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. HTX có hơn 20 thành viên, trở thành đầu mối nhận các đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác.

Đa dạng các sản phẩm dệt Zèng của các HTX ở A Lưới giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại sự bền vững cho việc phát triển nghề truyền thống.

Chị Hồ Thị Tha, thành viên của HTX, cho biết khi làm theo đơn đặt hàng, đòi hỏi người thợ dệt Zèng phải có được tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải có sự sáng tạo và đổi mới. Cũng nhờ vậy mà uy tín của HTX được nâng lên giúp cho thành viên nâng cao thu nhập.

Có thể nói với sự tham gia của nhiều HTX như tiếp thêm sức bật giúp cho bà con dân tộc thiểu số đưa nghề dệt Zèng ở A Lưới hồi sinh một cách mạnh mẽ, có sự chuyển mình khá rõ nét. Một số bản làng ở A Lưới gần như 100% hộ dân tham gia dệt Zèng.

Không chỉ vậy, việc mở rộng thị trường tiêu thụ của các HTX là động lực để họ nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm Zèng. Mặt khác, việc đa dạng hóa sản phẩm từ Zèng còn góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại sự bền vững cho việc phát triển nghề truyền thống.

Giới chuyên gia cho rằng vải thổ cẩm Zèng của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, di sản cần được bảo tồn và nâng tầm với vai trò “bà đỡ” của các HTX. Điều này cũng cần có sự chung tay hỗ trợ đồng bào vùng miền núi duy trì nghề truyền thống dệt Zèng để vừa nâng cao sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số và vừa góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường.

Và để nâng tầm hơn nữa giá trị của sản phẩm Zèng ở A Lưới, mong rằng qua sự quan tâm, định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX Tp.Huế sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ cho các HTX dệt Zèng tại huyện này ngày càng phát triển hiệu quả hơn nữa.

Nhất là thông qua các chương trình, dự án của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX Tp.Huế và các cấp chính quyền địa phương thì các HTX dệt Zèng sẽ có những bước phát triển trong đào tạo tay nghề, quảng bá đậm chất văn hóa bản địa, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, xây dựng các kênh bán hàng…Qua đó sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch tại vùng cao A Lưới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nghe-det-zeng-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vung-cao-a-luoi-thoat-canh-ngheo-kho-1106063.html