Bao giờ hết cảnh 'ế' tiền mua nhà ở xã hội?
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội từng được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy giúp thị trường bất động sản 'thoát hiểm'. Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai tiền vẫn 'ế' vì người dân có vay cũng không có nhà để mua.
Như Vnbusiness đưa tin, trong hội nghị ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho hay: “Dù được triển khai từ 1/4 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng”.
Có tiền không tiêu được
Cụ thể, theo ông Bắc, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ 1/4 theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chưa sẵn sàng, ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự hấp dẫn, cùng các vấn đề về trần giá bán đang ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân vốn.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ nằm trong chương trình xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, có thời hạn giải ngân đến khi số tiền giải ngân hết, nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Lãi suất cho vay hỗ trợ từ gói tín dụng trên sẽ thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) trong từng thời kỳ.
Đến hết 30/6, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ đối với chủ đầu tư 8,7%/năm và người mua nhà 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ theo nguyên tắc trên.
Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất, đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn khoản cho vay đã được thỏa thuận tại hợp đồng cho vay ban đầu. Đối với người mua nhà thời hạn hỗ trợ là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn khoản cho vay đã được thỏa thuận tại hợp đồng đi vay ban đầu.
Bao giờ nguồn cung cải thiện?
Bên cạnh mức lãi suất trên 8%, thủ tục phức tạp, khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp, người mua nhà, thì một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tiền bị “ế” thời gian qua là vì không có nhà để mua. Vậy, câu hỏi đặt ra là bao giờ nguồn cung được cải thiện?
Đến 18/5, trên cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ. Đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Theo đó, nguồn cung nhà ở xã hội có thể được cải thiện rõ ràng hơn từ năm 2024. Để đẩy nhanh mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội.
Bộ cũng ban hành Thông tư số 03 sửa đổi Thông tư 09, cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án....
Về phía các địa phương, các tỉnh, thành cũng đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội. Một trong số đó là “cởi trói” quỹ đất làm dự án cho doanh nghiệp.
Đơn cử, tại Hà Nội, trong hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023 tổ chức chiều 18/5, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội.
Đồng thời, thành phố cũng chủ động rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4 năm 2023, tại Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai.
Tuy nhiên, để cải thiện nhanh nguồn cung, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố.
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương cũng kiến nghị nhiều giải pháp để cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội. Như đại diện tỉnh Bắc Giang đưa ra một số vấn đề cần làm rõ như: Tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ được thực hiện tại nơi nào? Đối tượng nằm trong gia đình được cấp sổ đỏ đứng tên chung hộ gia đình có được coi là đã có đất ở, có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội không?
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, đang có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở, cần giải quyết triệt để.
Về tình trạng "bỏ quên" 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án thương mại, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng...
Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội và đạt mục tiêu đề ra của đề án đề ra.