Bao giờ kinh tế đêm Quảng Bình 'bật sáng'?
Đã gần 4 năm trôi qua từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1783/KH-UBND, ngày 1/10/2020 về phát triển kinh tế ban đêm ở tỉnh Quảng Bình, nhưng'bức tranh' về đêm của TP. Đồng Hới, thị trấn Phong Nha hay một số điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được 'bật sáng' như kỳ vọng.
Vậy đến bao giờ, kinh tế đêm mới phát huy hiệu quả và trở thành một thế mạnh của du lịch Quảng Bình?
Mục tiêu mà Kế hoạch số 1783/KH-UBND hướng đến khá “lớn lao”: Góp phần kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, hòa nhập xã hội cho người dân; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng sử dụng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày; mang lại nhiều cơ hội phát triển nhiều ngành nghề mới, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống....; thu hút nhân tài, giới kinh doanh, khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Quảng Bình trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Mục tiêu là vậy, thế nhưng hiện nay, kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh mới chỉ loay hoay với các quán ăn, nhà hàng… đơn điệu, một phố đi bộ chưa thực sự hút khách, một vài cơ sở mạnh dạn mở dịch vụ ăn uống dọc bờ biển, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa kết nối…
Chúng ta thiếu hẳn các hoạt động giải trí đặc sắc, mang bản sắc văn hóa địa phương, đủ sức để níu kéo và khiến du khách mở hầu bao. Điều này được minh chứng bằng việc hầu như không có một số liệu thống kê nào về phát triển kinh tế đêm Quảng Bình từ Sở Kế hoạch-Đầu tư hay Sở Du lịch trong suốt thời gian qua.
Sau thất bại của chợ đêm TP. Đồng Hới những năm về trước, phố đi bộ hiện nay dường như vẫn chưa thực sự đủ sức níu chân du khách. Trong khi đó, thực tế cho thấy sức sống về đêm của thành phố biển được minh chứng trước hết thông qua các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
Phố đi bộ ở hai con đường Phan Bội Châu và Đồng Hải (TP. Đồng Hới) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Sau những khó khăn do dịch Covid-19, phố đi bộ này đã chính thức trở lại với nhiều đổi mới, nhưng thực tế vẫn chưa thể là điểm đến ấn tượng, không thể không ghé thăm đối với du khách khi đến thành phố biển Đồng Hới.
Trừ thời gian diễn ra Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới với các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ, như: Bài chòi, biểu diễn âm nhạc đường phố, không gian văn hóa chợ quê…, còn lại phố đi bộ chỉ có các cửa hàng ăn uống vốn dĩ đã mở cửa thời gian dài, một vài xe bán thức ăn nhanh lưu động…, không có dáng dấp của một con phố đi bộ dành cho khách du lịch.
Chị Cao Hoài Thu (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới), chủ một homestay, một khách sạn nhỏ và kinh doanh xe máy cho thuê chia sẻ, du khách khi được tư vấn về những điểm tham quan ở thành phố thường không quan tâm nhiều đến phố đi bộ, bởi họ không cảm thấy hấp dẫn khi đến đây với việc thiếu các dịch vụ giải trí, dịch vụ ăn uống đơn điệu, chưa có các hoạt động mang tính văn hóa bản địa đặc sắc.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin cho biết, du khách của công ty thường chọn “city tour” về đêm để dạo quanh những điểm tham quan nổi bật của TP. Đồng Hới và rất ít khi lựa chọn dừng chân ở phố đi bộ. Muốn hút khách du lịch, thành phố cần những đổi mới mạnh mẽ đối với phố đi bộ, có chiến lược bài bản, dài hơi và nhất là quan tâm vào việc tạo bản sắc văn hóa địa phương cho con phố du lịch này. Vì vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư đóng vai trò quan trọng.
Tương tự như vậy là khung cảnh về đêm ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Trong khi vào ban ngày, du khách có nhiều lựa chọn đa dạng về các sản phẩm du lịch, từ khám phá thiên nhiên cho đến văn hóa lịch sử, trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực riêng có của địa phương, thì khi màn đêm buông xuống, sự sôi động “nhường chỗ” cho sự im ắng của thị trấn. Nhiều du khách than thở bởi không biết tiêu tiền vào đâu khi đêm xuống.
Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Trần Đức Bình chia sẻ, hiện thị trấn chỉ có một vài quán bar, coffee nhỏ lẻ sáng đèn về đêm. Một vài cơ sở lưu trú có tạo điểm vui chơi cho du khách nhưng cũng chỉ quy mô nhỏ, hoạt động đơn điệu, chưa đủ sức tạo dấu ấn riêng. Phát triển kinh tế đêm vẫn luôn là trăn trở của du lịch Phong Nha nói riêng, Bố Trạch nói chung và nay vẫn chưa thực sự triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Trong bối cảnh hiu hắt đó của kinh tế đêm Quảng Bình, vẫn còn đó những điểm sáng le lói. Sắp tới đây, Công ty CP Cảnh quan không gian xanh sẽ mở lại khu chợ đêm Everland ở TP. Đồng Hới sau những năm gián đoạn bởi dịch Covid-19. Trước đó, khu chợ đêm của công ty trở thành điểm đến của nhiều du khách khi đến TP. Đồng Hới bởi các gian hàng ấn tượng, mang đậm dấu ấn địa phương, đa dạng từ ẩm thực đến đồ lưu niệm, đặc sản… Ngoài ra, khu chợ đêm còn nhiều loại hình vui chơi giải trí cho mọi đối tượng.
Ông Trần Thế Hiền, Giám đốc công ty cho biết, tới đây, công ty sẽ triển khai chợ đêm theo chủ đề hàng năm, không bó hẹp là chỉ riêng văn hóa địa phương, từ đó, tạo sức hút mới lạ cho du khách. 20 gian hàng trong khu chợ đêm sẽ được trang trí, tạo phong cách theo đúng chủ đề, hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn, ấn tượng với khách thập phương.
Rút kinh nghiệm tổ chức từ thời gian trước, công ty cũng sẽ khắc phục các hạn chế, mạnh dạn triển khai một số dịch vụ mới. Tuy nhiên, công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ tích cực trong khâu truyền thông, quảng bá, nhất là từ phía Sở Du lịch và các cơ quan chức năng liên quan.
Trước đó, cuối năm 2022, UBND tỉnh cũng có công văn đồng ý chủ trương đầu tư và khai thác các tuyến phố đi bộ, bao gồm phố đi bộ và phố đi bộ ban đêm trong Khu đô thị Bảo Ninh 1 tại bán đảo xã Bảo Ninh. Đề án do Sở Du lịch và Công ty CP Đất Xanh Miền Trung đề xuất.
Đây kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến tham quan, mua sắm và giao lưu văn hóa quốc tế thực thụ cho du khách, là đòn bẩy quan trọng góp phần phát triển kinh tế cho Quảng Bình; đồng thời, sẽ thúc đẩy kinh tế du lịch, văn hóa và xã hội của tỉnh.
Trên thực tế, phát triển kinh tế đêm đang là “bài toán” đau đầu của nhiều địa phương trong cả nước, không riêng tỉnh Quảng Bình. Phải làm sao để dung hòa giữa lợi ích về kinh tế và bảo đảm về an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường…? Làm thế nào để các sản phẩm du lịch đêm tạo được sự khác biệt, đủ sức hấp dẫn du khách và tạo được sự liên kết, quảng bá, giới thiệu rộng rãi?
Để làm được điều này, trước hết các địa phương cần xây dựng những kế hoạch phát triển kinh tế đêm cụ thể, linh hoạt, từ chính sách, khung pháp lý cho đến hoạch định khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên, phân cấp phân quyền, phân định rõ ràng trách nhiệm, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện…
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế đêm cũng đóng vai trò quan trọng. Có lẽ, để kinh tế đêm Quảng Bình “bật sáng” như kỳ vọng sẽ còn phải đợi một thời gian dài?