Bao giờ nghề gốm ở Hòa An được hồi sinh
Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng Nước Hai (Hòa An) một loại đất sét đặc trưng để làm các sản phẩm gốm không nơi nào có được. Gốm Nước Hai đã từng rất phát triển và trở thành làng nghề truyền thống đem lại thu nhập cho người dân.
Nghề gốm Nước Hai có truyền thống lâu đời từ 400 - 500 năm, làng nghề gốm được thành lập tại phố Giữa, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Nghề bắt đầu từ bà tổ Loòng Dỉ Dỉn, là người gốc Hoa.
Vào thế kỷ 16, bà Dỉn gánh các sản phẩm gốm từ Trung Quốc qua giao thương tại vị trí ven sông Bằng, khi đó bà phát hiện chất đất tốt nên thử tạo sản phẩm và thành công. Sau đó bà đưa người qua để làm và thành lập làng gốm tại đây. Gốm tại khu vực này làm từ một loại đất sét phù hợp kết hợp với bài phối trộn nguyên liệu gia truyền tạo ra sản phẩm gốm cổ truyền Nước Hai. Với đặc trưng là xương đất cứng nên sản phẩm không cần phải tráng men vẫn có thể sử dụng được. Những sản phẩm tại đây có thể kể đến như: chén trà, chum rượu, vại, nồi sắc thuốc bắc,... đa dạng về kích cỡ, màu sắc, trang trí. Thời điểm trước năm 1990, làng gốm Nước Hai là nơi thu hút người lao động đến đây sinh sống và làm việc. Sản phẩm của làng gốm cung cấp chủ yếu cho các thương lái nhỏ lẻ để bán và tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Lạng Sơn, Bắc Kạn,... Thậm chí, có những khách hàng còn đến tận xưởng để lấy hàng.
Ông Hoàng Văn Hiếu, thị trấn Nước Hai (Hòa An) là con trai của ông Hoàng Đức Minh (tức Giầu), nguyên Trưởng phòng kỹ thuật Xí nghiệp Gốm Hòa An, một trong những nghệ nhân có truyền thống lâu đời về làm gốm. Năm 1995, ông Hiếu mở lò gạch để cung cấp nguyên liệu xây dựng, khi đó ông phát hiện loại đất sét với chất lượng tốt phù hợp để làm gốm. Đến năm 1998, ông hợp tác với các nghệ nhân lành nghề, quyết tâm xây dựng lại lò gốm. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến năm 1999, ông quyết định tạm dừng làm gốm. Sau đó vào năm 2004, một lần nữa ông Hiếu lại đứng ra thành lập hợp tác xã gốm Hòa An với khoảng 10 thành viên, sản xuất những sản phẩm truyền thống, như nồi sắc thuốc, chum, cốc,... Nhưng rất đáng tiếc vì chỉ vài năm sau khi thành lập hợp tác xã do đầu ra không đảm bảo, khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng như nhựa, nhôm,... cùng nhiều nguyên nhân khác mà hợp tác xã gốm Nước Hai giải thể, kết thúc một nghề truyền thống lâu năm.
Trước đây khi nhắc đến thị trấn Nước Hai (Hòa An), người ta nghĩ ngay đến những lò gốm đỏ lửa và những bàn tay khéo léo nhào nặn từng khối đất thô sơ thành những tác phẩm tinh xảo. Nhưng giờ đây, giữa làn khói mỏng và những lò gốm vắng bóng, chỉ còn lại những tiếng thở dài của lớp người gắn bó với nghề. Từng là niềm tự hào của cả vùng, nghề gốm truyền thống giờ đang dần bị lãng quên, chỉ còn lại một vài người thợ già vẫn bám trụ với mong muốn níu giữ chút hồn quê. Trên những con đường phủ bụi, hình ảnh những sản phẩm gốm dần thưa thớt, phai mờ, nghề gốm đã tắt hẳn từ năm 2010 khiến người ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về một làng nghề sầm uất vài trăm năm tuổi.
Ông Hoàng Văn Hiếu là truyền nhân duy nhất còn lưu giữ những kỹ thuật của nghề gốm. Ông chia sẻ: Bản thân rất trân quý nghề làm gốm truyền thống và đã làm mọi cách để có thể lưu giữ được nó qua rất nhiều năm. Ông từng đi học tại các cơ sở làm gốm ở tỉnh khác để tiếp thu thêm kiến thức đồng thời áp dụng vào sự nghiệp làm gốm tại huyện”. Tại ngôi nhà nhỏ của mình, phía trên tầng hai chính là nơi ông nghiên cứu về gốm, là nơi sáng tạo nên các tác phẩm khi có thời gian. Thật đáng tiếc vì một nghề truyền thống lâu năm như vậy lại dần mai một đi. Cứ nhắc đến lò gốm khi xưa ông lại nghẹn ngào. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và từng được hỗ trợ mở các lớp đào tạo thợ lành nghề, nhưng còn đó rất nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết, như: dây chuyền công nghệ của hợp tác xã còn thô sơ, chủ yếu bằng sức người, nên chất lượng sản phẩm không ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh vì thế phần nào bị giảm sút, mặt bằng để xây dựng nhà xưởng...
Ông Lương Văn Dìn, năm nay gần 70 tuổi, từng được chứng kiến những lò gốm đỏ lửa khi xưa, cho biết: “Từ khi còn nhỏ đã thấy lò gốm Nước Hai hoạt động. Khi xưa, nơi đây rất tấp nập, người chở đất vào lò, người chở sản phẩm từ lò đi các khu vực khác để buôn bán... Các sản phẩm gốm tại đây có chất lượng rất tốt, giá thành lại rất phải chăng. Ngày xưa mọi người đều dùng đồ do lò gốm làm ra, từ chậu rửa mặt rửa chân tay đến cái nồi cái bát,... Ông mong lò gốm có thể hoạt động trở lại lâu đời hơn nữa; nghề gốm có thêm các lớp trẻ kế cận và phát huy nghề truyền thống của cha ông”.
Để có thể khôi phục lại nghề gốm có tuổi đời lâu dài như nghề gốm Hòa An rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân; với những chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề, từ kết hợp làng nghề gắn với du lịch hay các giải pháp đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân, thu hút lao động tay nghề cao... Nghề gốm không chỉ là một nghề thủ công mà còn là biểu tượng cho tình yêu quê hương, lòng kiên trì và khát vọng phát triển của người dân nơi đây. Mỗi sản phẩm gốm không chỉ là vật dụng, còn chứa đựng tâm huyết, câu chuyện và những kỷ niệm đẹp của một vùng đất giàu truyền thống.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghe-gom-hoa-an-3173961.html